Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025 Tăng mức xử phạt với các vi phạm về đất đai và môi trường là cần thiết |
Sửa đổi các quy định bị tác động bởi chủ trương sắp xếp
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật nhằm bám sát và cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương, những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, thực sự là “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính thời gian qua.
Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt để bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức bộ máy quản lý nhà nước thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quốc hội |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 24/143 điều, sửa kỹ thuật 23/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và bổ sung mới 2 điều.
Xuất phát từ thực tiễn thực hiện việc xử lý chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua và giai đoạn sắp tới, đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt hơn, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 2, Điều 53, Luật Xử lý vi phạm hành chính về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách.
Theo đó, cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước, thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 87, Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy, đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương tăng cường tính tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ thuộc thẩm quyền...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật, theo đó chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
![]() |
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Quốc hội |
Đối với những nội dung chưa thực sự cấp bách hoặc còn ý kiến khác nhau và những nội dung tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, thì tiếp tục rà soát, tổng kết, tổ chức nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật này, dự kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định trong các dự thảo luật có liên quan dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, Ủy ban tán thành việc bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính để thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và người thực thi công tác xử phạt, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Về mức phạt tiền trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 1 Điều 23), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy việc bổ sung quy định địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần trong một số lĩnh vực như "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm" là không cần thiết.
Bởi mức phạt tiền trong các lĩnh vực này đã được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô năm 2024; trường hợp không bổ sung nội dung này, thì việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Luật Thủ đô.
Về việc bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét nội dung này khi sửa đổi toàn diện Luật, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chuyen-tiep-tham-quyen-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-khi-sap-xep-bo-may-190178.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này