Vấn nạn “thực phẩm bẩn”: Đến lúc không thể khoan nhượng

11:00 | 15/05/2025
Mặc dù chế tài xử lý đối với vấn nạn kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm “bẩn” đã có; tuy nhiên, hàng loạt vụ thực phẩm “bẩn”, sữa giả liên tiếp được phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy tình trạng này vẫn không hề suy giảm. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại mong ngóng sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng và cái tâm của người kinh doanh như lúc này…
Liên tiếp phát hiện hàng tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc Hà Nội: Phát hiện hàng chục tấn nội tạng "bẩn" chuẩn bị lên bàn nhậu Thực hư lòng se điếu giá bạc triệu 1kg

Liên tiếp phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh thực phẩm “bẩn”

Trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025, nhiều vụ kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện hàng loạt kho hàng, điểm tập kết kinh doanh thực phẩm với hàng tấn, cho tới hàng chục tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc trà trộn vào các hàng hóa có nhãn mác, bao bì được cơ quan chức năng kiểm định… Điều này cho thấy, tình trạng cá nhân, doanh nghiệp, cửa hàng phân phối chạy theo lợi nhuận, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và bất chấp sức khỏe người dân vẫn diễn ra khá phổ biến.

Đơn cử như ngày 9/5 vừa qua, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 19, Cục QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ 1,5 tấn xúc xích do nước ngoài sản xuất, không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là anh H., ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, thừa nhận số hàng hóa được mua gom trôi nổi trên thị trường để tiêu thụ tại Hà Nội.

Vấn nạn “thực phẩm bẩn”: Đến lúc không thể khoan nhượng
Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 7 tấn nội tạng động vật, gia cầm tại kho đông lạnh trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Trước đó, ngày 5/5, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 17 đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm tại đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.

Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo, 1.200kg tràng heo (khoảng hơn 7 tấn) là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ số hàng là anh L.H.P., ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ngày 28/4, Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố, tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do ông N.Đ.C làm chủ, tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 11 tấn thịt bò và nội tạng bò đông lạnh chưa qua sử dụng, được chứa trong 3 kho đông lạnh, không có nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Trong số đó, có nhiều loại như lòng bò, gân bò, bì bò, xách bò, xương, gan, phổi, óc bò, mép bò… có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi khó chịu. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính trên 188 triệu đồng. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc lô hàng. Ông C. khai nhận, số thịt và nội tạng bò nói trên được thu mua từ nhiều nguồn trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có kiểm định về chất lượng hay ATTP…

Trao đổi về các trường hợp trên, đại diện Đội QLTT số 17 cho hay, đa số hàng vi phạm được cất giữ trong các kho lạnh nằm ở khu vực thưa dân cư, hoạt động chủ yếu vào thời điểm rạng sáng, khiến việc giám sát, phát hiện gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, quy trình thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển của cơ sở diễn ra khép kín và rất nhanh, hàng hóa sau đó được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát và xử lý.

Trong khi đó, trả lời các cơ quan báo chí, Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đối với số hàng hóa mà cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ, nếu các đối tượng đưa trót lọt ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.

Cần chế tài xử lý mạnh hơn nữa

Cùng với những vụ việc nêu trên, những ngày qua, dư luận cũng xôn xao trước thông tin chủ nhà hàng quảng cáo lòng se điếu dài 40m. Điều khiến người dân nghi ngờ là liệu có thật lòng se điếu dài như vậy hay không và món lòng lợn nhà hàng này phục vụ liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm? Sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, trưa 8/5, quán ăn này đã đóng cửa…

Từ những vụ việc trên cho thấy, ATTP là nỗi lo thường xuyên của người tiêu dùng. Thực phẩm “bẩn” không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, các đối tượng vẫn tìm mọi cách tuồn thực phẩm “bẩn” ra thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng nói, chế tài xử lý còn nhẹ, do đó, thực phẩm “bẩn” vẫn có “đất sống”.

Vấn nạn “thực phẩm bẩn”: Đến lúc không thể khoan nhượng
Cần tăng mức chế tài xử lý đối với các trường hợp kinh doanh thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn. (Ảnh: Quyên Lưu)

Luật sư Đào Đăng Sơn - Công ty TNHH Luật Đăng Sơn cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do cách làm của chúng ta hiện nay chưa khoa học, không kiểm soát ở sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính; tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm vẫn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, thì vấn nạn này vẫn sẽ tồn tại lâu dài.

Cũng theo luật sư Sơn, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với “hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất…” đã có. Tuy nhiên, mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với việc xử lý vi phạm hành chính; và nếu vượt mức quy định xử lý hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về ATTP”, với khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự.

“Chế tài xử lý đã có, nhưng vẫn còn quá nhẹ. Để bóc tách “khối u” thực phẩm “bẩn”, cần thiết phải sử dụng liều thuốc “đắng hơn”, mạnh hơn. Đơn cử như việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, đơn vị quản lý, nếu như để phát hiện, tồn tại những cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm “bẩn”… Thậm chí, tăng mức xử lý vi phạm, xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm, có như vậy thực phẩm “bẩn” mới không còn đất sống”, luật sư Sơn cho hay.

Liên quan đến chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm ATTP, luật sư Đào Đăng Sơn và người tiêu dùng kỳ vọng, việc tăng mức xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP được quy định tại Luật Thủ đô không chỉ thể hiện sự quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành Thành phố trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP, mà còn là chế tài mạnh với các đối tượng kinh doanh, buôn bán thực phẩm “bẩn”. Khi đó, người tiêu dùng sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm không an toàn.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này