Đề xuất trao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng về dự toán ngân sách Nhà nước

16:12 | 14/05/2025
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ngày 14/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi.
Quốc hội: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp đến hết năm 2030 Lấy hiệu quả hoạt động tổng thể để đánh giá doanh nghiệp nhà nước

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo luật bổ sung một điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm sau; quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan Trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất Thủ tướng được quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương.

Theo tờ trình, đề xuất trên là thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác giao nhiệm vụ thu, chi và điều hành NSNN, tạo sự chủ động và tăng tính hiệu quả, kịp thời trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, qua lấy ý kiến thành viên ủy ban, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Theo ông Phan Văn Mãi, Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán NSNN, bao gồm tổng thu, tổng chi, cơ cấu chi và bội chi NSNN. Khi cần điều chỉnh dự toán đã được quyết định, thẩm quyền thuộc về Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định hiện hành bảo đảm phân cấp, phân quyền trong quyết định dự toán. Quốc hội chỉ quyết định tổng mức theo lĩnh vực và cơ cấu chi, không chi tiết đến từng nhiệm vụ; các bộ, ngành, địa phương quyết định chi tiết theo thẩm quyền.

Dự thảo luật giao Chính phủ điều chỉnh dự toán giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ cấu chi thường xuyên, đầu tư, điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách địa phương làm thay đổi dự toán NSNN đã được Quốc hội quyết định, theo cơ quan thẩm tra.

Trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra. (Ảnh: QH)

Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội cho rằng, báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng yêu cầu làm rõ chức năng các cơ quan Nhà nước, bảo đảm phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; củng cố vị thế của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Việc giao Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán (thuộc thẩm quyền của Quốc hội) dẫn đến chồng chéo chức năng, ảnh hưởng kỷ luật tài chính và mục tiêu cải cách đã đề ra.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng, trên thực tế, việc điều chỉnh dự toán theo thẩm quyền hiện hành không phát sinh vướng mắc. Trong trường hợp cấp bách, Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc điều chỉnh dự toán trong nội bộ đơn vị đã được quy định rõ tại Luật NSNN hiện hành, bảo đảm linh hoạt và tuân thủ kỷ luật tài chính.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả và kịp thời trong điều hành NSNN, đặc biệt là đối với Chính phủ và UBND các cấp ở địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp được phép điều chỉnh dự toán, giới hạn trong các nguyên nhân khách quan, tình huống khẩn cấp, cấp bách, tránh lạm dụng điều chỉnh quá mức so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ chế độ và quy trình báo cáo phải minh bạch, cụ thể, làm căn cứ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và quyết toán ngân sách; phân cấp nhiệm vụ cần gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Dự thảo luật bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia ngân sách Trung ương (70%) và ngân sách địa phương (30%). Bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật NSNN năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Theo đó, tỷ lệ phân chia được quy định theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này