Lấy hiệu quả hoạt động tổng thể để đánh giá doanh nghiệp nhà nước

18:51 | 13/05/2025
Đánh giá doanh nghiệp nhà nước dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, có tính đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan.
Đề xuất áp thuế thu nhập 10% cho tất cả loại hình báo chí Quốc hội: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ngày 13/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tiến hành thảo luận về dự án luật này.

Lấy hiệu quả hoạt động tổng thể để đánh giá doanh nghiệp nhà nước
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: QH)

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và gửi các ĐBQH Báo cáo số 1284/BC-UBTVQH15 ngày 12/5/2025.

Theo ông Phan Văn Mãi, trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, các cơ quan đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 127-KL/TW và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Luật.

Về phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn Nhà nước; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Trước nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định “Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp”, UBTVQH cho rằng, việc quy định nội dung trên tại dự thảo Luật có thể phát sinh những bất cập, vướng mắc.

Theo ông Phan Văn Mãi, Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể tài sản góp vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; nếu bổ sung nguyên tắc này có thể xung đột với khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ do đó ngoài vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp còn có vốn của các thành viên góp vốn/cổ đông khác.

Ngoài ra, các quy định trong dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, UBTVQH đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Về phân phối lợi nhuận sau thuế, ông Phan Văn Mãi cho biết tiếp thu ý kiến ĐBQH, để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh trước khi thực hiện trích lập Quỹ và nộp ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành; xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại Luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng cho biết có ý kiến đề nghị cho phép để lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án mà không nộp về ngân sách nhà nước.

Lấy hiệu quả hoạt động tổng thể để đánh giá doanh nghiệp nhà nước
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời xử lý các trường hợp cần bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quan trọng, cần thiết và triển khai các dự án đầu tư quan trọng; giảm thủ tục hành chính khi tăng vốn hoặc đầu tư dự án, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế tại khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật “Lợi nhuận còn lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ”.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Đánh giá doanh nghiệp dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, có tính đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan.

Dự thảo Luật cũng quy định doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, đây là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và trách nhiệm xã hội.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này