Giải cứu lái xe bị kẹt trong cabin xe tải sau va chạm giao thông lúc rạng sáng Công an đang "hỏi thăm" người đàn ông ngồi trên nắp capo ô tô chạy vù vù trên Đại lộ Thăng Long |
Hệ lụy từ hành vi mất kiểm soát
Ngày 7/5 vừa qua, Công an phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) tiếp nhận thông tin về một vụ hành hung xảy ra sau va chạm giao thông. Theo đó, vào khoảng 10h sáng cùng ngày, chị N.T.M (SN 1984, trú tại quận Hà Đông) điều khiển xe máy trên tuyến đường Mậu Lương - Kiến Hưng theo hướng về Khu đô thị Xa La. Khi đến trước tòa chung cư Trung tâm thương mại khu đô thị Xa La, do đường ùn tắc, chị M dừng xe sát lề đường để kiểm tra điện thoại. Lúc này, một chiếc ô tô màu xám phía sau bóp còi xin vượt, nhưng chị M vẫn chưa di chuyển. Người ngồi trong ô tô hạ kính, to tiếng rồi bất ngờ dùng vật cứng chọc vào vùng mặt khiến chị M bị thương. Sau 24 giờ xác minh, chiều 8/5, Công an phường Phúc La đã phối hợp xác định và triệu tập đối tượng liên quan là N.T.H (SN 1994, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
![]() |
Đối tượng Trần Duy Quang tại cơ quan Công an. |
Tại cơ quan Công an, H khai nhận ngồi ghế phụ trên xe tải Isuzu BKS: 29H-620.95 do anh K điều khiển. Khi xe lưu thông đến phố Phúc La thì gặp chị M đang dừng xe máy bên làn sát vỉa hè để nghe điện thoại, khiến giao thông phía sau ùn ứ. Sau khi tiếp tục di chuyển, do không vượt được, H bức xúc, hạ kính xe, lớn tiếng và dùng gậy sắt chọc vào mặt chị M, sau đó bảo tài xế rời đi.
Trước đó, vào ngày 4/3, phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) náo loạn bởi một vụ va chạm giữa xe máy và ô tô taxi. Điều đáng nói là sau cú quệt nhẹ tưởng chừng không nghiêm trọng, người đàn ông đi xe máy đã bất ngờ lao đến hành hung tài xế taxi là ông L.X.T (SN 1980). Dù được đưa đi cấp cứu, ông T đã không qua khỏi do chấn thương sọ não. Đối tượng Trần Duy Quang (SN 2003, trú tại xã Cán Khê, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) bị bắt giữ ngay sau đó với cáo buộc cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người...
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc liên quan đến hành vi mất kiểm soát cảm xúc sau va chạm giao thông. Không còn là những sự cố cá biệt, bạo lực sau va chạm đang có dấu hiệu gia tăng, trở thành nỗi lo ngại về sự bất an nơi công cộng. Nhiều người dân bày tỏ rằng, môi trường giao thông ngày càng tiềm ẩn rủi ro, khi chỉ một cái nhìn hay lời nói cũng có thể châm ngòi cho ẩu đả.
Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe công nghệ tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến nhiều vụ người đi đường đánh nhau chỉ vì va quệt nhẹ gương xe. Có trường hợp cả hai đều không thiệt hại gì nghiêm trọng, nhưng do không giữ được bình tĩnh nên dẫn đến ẩu đả. Lái xe bây giờ, ngoài kỹ năng, còn phải giữ được sự điềm tĩnh”. Còn chị Lê Thị Mai, nhân viên văn phòng sống tại quận Hà Đông, bày tỏ: “Ra đường, tôi luôn cẩn thận, nhưng không tránh khỏi những lúc va chạm nhẹ. Điều khiến tôi sợ nhất không phải là tiền sửa xe, mà là bị hành hung vô cớ”.
Xử nghiêm để răn đe
Trung tá Doãn Lê Trường Khoa - Phó Trưởng Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Nhiều người dễ bị chi phối bởi tâm lý bức xúc, thói quen "ăn miếng trả miếng" hoặc tâm lý "hơn thua". Đáng lo ngại hơn, không ít người thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến hành xử nông nổi, bất chấp hậu quả. Theo Trung tá Khoa, khi điều khiển phương tiện, mỗi người cần tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời giữ thái độ văn minh, nhường nhịn, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh. Sau khi xảy ra va chạm, nếu mỗi người biết bình tĩnh, cư xử đúng mực, sẽ tránh được hậu quả đáng tiếc, kể cả về thể chất lẫn pháp lý.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: “Hành vi hành hung người khác sau va chạm giao thông là vi phạm pháp luật, mang tính chất côn đồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự nơi công cộng. Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Hoàng nhấn mạnh, những hành vi bạo lực như vậy không chỉ xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác, mà còn làm xấu đi hình ảnh văn hóa giao thông, tạo nên môi trường xã hội bất an. Nhiều trường hợp, khi sự việc xảy ra, người gây án hành động trong trạng thái bốc đồng, thiếu kiểm soát. Đến khi hậu quả xảy ra, hối hận cũng đã muộn. Việc điều tra, xử lý nghiêm minh và tuyên truyền các bản án cụ thể là cần thiết để cảnh tỉnh xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Trong một môi trường văn minh, nơi con người biết tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp, những va chạm nhỏ có thể được giải quyết bằng sự cảm thông, lời xin lỗi, thậm chí bằng nụ cười và cái bắt tay.
Để hạn chế bạo lực sau va chạm giao thông, cần đồng bộ nhiều giải pháp: Giáo dục, tuyên truyền, và xử lý nghiêm minh. Trước hết, cần đưa nội dung giáo dục văn hóa giao thông vào nhà trường, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp để nâng cao ý thức cộng đồng. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, việc giáo dục pháp luật, kỹ năng sống và văn hóa ứng xử từ sớm sẽ góp phần hình thành lớp người tham gia giao thông văn minh, có trách nhiệm.
Cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các hành vi bạo lực trên đường phố. Việc trích xuất, công khai hình ảnh vi phạm không chỉ góp phần minh bạch trong xử lý mà còn mang giá trị giáo dục, răn đe trong cộng đồng.
Hữu Minh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ung-xu-sau-va-cham-giao-thong-dung-de-hoi-han-boi-phut-nong-gian-189969.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này