Quận Thanh Xuân sẽ cưỡng chế thu hồi đất dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây

13:14 | 08/05/2025
Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thanh Xuân vừa ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND về phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung.
Quận Thanh Xuân gặp mặt đại biểu tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước Quận Thanh Xuân: 67 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2024

Theo phương án, toàn bộ mặt bằng sau khi cưỡng chế được bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận để thực hiện dự án theo quy định.

Dự kiến, quận sẽ cưỡng chế thu hồi 4.283m2 đất và công trình trên đất của 61 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung (ngõ 12, đường Khuất Duy Tiến).

Thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế: 8h00 ngày 21/5/2025: Bắt đầu cưỡng chế thu hồi đất và công trình trên đất đối với 33 hộ gia đình, cá nhân. 8h00 ngày 22/5/2025: Bắt đầu cưỡng chế thu hồi đất và công trình trên đất đối với 28 hộ gia đình, cá nhân.

Di tích Gò Đống Thây, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân là một địa danh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 993-QĐ ngày 28/9/1990.

Quận Thanh Xuân sẽ cưỡng chế thu hồi đất dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây
Phối cảnh dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Nhiều năm qua di tích đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cá nhân đã lấn, chiếm đất đai, xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi bảo vệ di tích.

Nhằm giải quyết dứt điểm việc này, UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo và được UBND thành phố Hà Nội giao chủ đầu tư để triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Dự án được thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, các văn bản chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND thành phố Hà Nội và các quy định pháp luật khác có liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch.

Trước đó, vào năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng, tu tạo nhà Phương đình trên đỉnh gò lớn. Hiện tại với quy mô của dự án có thể khẳng định, đây sẽ là một khu di tích, một công viên văn hóa, tâm linh có ý nghĩa lịch sử ở phía Tây Hà Nội.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này