Sửa Luật để sàng lọc, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời” với công chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Bỏ thi nâng ngạch, chế độ tập sự, cán bộ công chức sẽ rất vui |
Theo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), công chức được tuyển dụng vào biên chế, đủ điều kiện sẽ được xếp vào ngạch nhất định. Thực tế cho thấy, với cơ chế đánh giá hiện nay, rất ít công chức bị ra khỏi biên chế vì không hoàn thành nhiệm vụ. Yên tâm đã có “biên chế suốt đời” khiến cho nhiều người ngại thay đổi, dẫn đến sức ỳ, hiệu quả công việc không cao... Chính vì vậy, lần sửa đổi Luật này đã thay đổi cơ chế quản lý để bỏ tư duy biên chế suốt đời và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của dư luận.
Anh Nguyễn Quốc Hoàn (trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, thay đổi này là hết sức cần thiết, vừa sàng lọc được người năng lực yếu kém ra khỏi bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng tạo cơ chế để người trẻ, nhân sự tốt từ khu vực tư nhân vào làm việc trong khu vực công.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguy cơ bị mất việc sẽ khiến cán bộ, công chức phải luôn “làm mới” bản thân, chịu khó học hỏi để không tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu công việc, nếu không muốn bị mất việc.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại điện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Bởi nếu cứ vào được biên chế, ngồi chắc vị trí là không có chuyện ra khỏi biên chế, vì vậy dự án Luật phải thiết kế làm sao cho có vào, có ra, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời.
Muốn như vậy phải thực hiện 2 công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng. Đồng thời sẽ ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung.
![]() |
Công chức Tư pháp phường Đội Cấn giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. |
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) đề nghị đối với quy định về đánh giá cán bộ, công chức, cần nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng các cơ chế đánh giá dựa trên KPI, đánh giá dựa trên ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp… Từ đó đảm bảo công tác đánh giá cán bộ, công chức minh bạch, rõ ràng hơn.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát các quy định tạo động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc; nghiên cứu hệ thống lương đảm bảo quyền lợi và động lực cho cán bộ công chức làm việc.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình cho rằng, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức phải khắc phục được triệt để tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, xóa bỏ biên chế suốt đời. Theo đại biểu Yến, việc bỏ biên chế cũng cần gắn với công tác đánh giá thi đua, khen thưởng một cách rõ ràng.
Quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm một số nước, cho thấy ngoại trừ Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các quốc gia đánh giá công chức dựa trên hiệu suất làm việc, kết quả đánh giá là căn cứ để thưởng cũng như đưa ra những biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả làm việc của công chức.
Họ không nặng về đánh giá các tiêu chí khó lượng hóa như chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; nếu công chức vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử giao tiếp sẽ bị xử lý kỷ luật…
Phương pháp đánh giá công chức của các quốc gia cũng khác so với Việt Nam, người có thẩm quyền và công chức được đánh giá ngồi tại một phòng riêng, công chức trình bày kết quả làm việc và tự nhận mức độ hoàn thành công việc.
Người có thẩm quyền đánh giá sẽ đánh giá và đưa ra nhận xét và tìm hiểu lý do tại sao công chức không làm việc hiệu quả như sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay thiếu hụt về đào tạo, chuyên môn, từ đó sẽ đề ra biện pháp hỗ trợ công chức giải quyết vấn đề của họ.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác đánh giá nhiều khi mang tính hình thức, nể nang, né tránh và không gắn với đãi ngộ lương, thưởng. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại kết quả làm việc của cán bộ, công chức theo hướng xây dựng quy trình đánh giá khách quan, minh bạch, thực chất, đảm bảo lượng hóa kết quả thực hiện công việc, tăng quyền hạn cho người sử dụng công chức trong việc đánh giá, đánh giá 1-1 (trong buổi đánh giá chỉ có người sử dụng và công chức được đánh giá), tránh tình trạng cả cơ quan cùng tham gia đánh giá sẽ gây ra tình trạng nể nang, e ngại, hình thức và không thực chất.
Các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm: Tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân.
Để đảm bảo đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực, theo Bộ Nội vụ, Việt Nam cần trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động...
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/bo-bien-che-suot-doi-de-nang-cao-chat-luong-nhan-su-khu-vuc-cong-189710.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này