Không thu viện phí các khoản không được BHYT thanh toán với nạn nhân bị bão lũ Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiến tới miễn viện phí toàn dân từ giai đoạn 2030 - 2035 |
Bệnh nhân phấn khởi
Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chú trọng phát triển ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và xem xét tiến tới miễn viện phí cho toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035 là hướng đến mục tiêu rất nhân văn và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân, nhất là những bệnh nhân mãn tính.
![]() |
Bà Lương Thị H với cánh tay suốt gần 20 năm chạy thận. |
Phấn khởi khi nghe thông tin xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân, bà Lương Thị H (quê Hải Dương) cho biết: “Mấy hôm nay tôi xem ti vi, mạng xã hội, cũng có nghe được thông tin định hướng miễn viện phí cho người dân nên rất vui mừng. Chỉ mong chủ trương này sớm được thực hiện, để người dân, nhất là người bệnh phải chạy thận định kỳ như chúng tôi đỡ phần vất vả”.
Được biết bà H năm nay tròn 60 tuổi, nhưng đã có tới 19 năm phải chạy thận. Bà H cho biết, mặc dù đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phần lớn chi phí chạy thận hằng tháng, tuy nhiên, tính cả tiền thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, tiền thuê nhà trên Hà Nội, tiền ăn uống… mỗi tháng cũng mất khoảng 4- 5 triệu đồng chi phí các loại. Vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên số chi phí đó cũng khiến bà vất vả ngược xuôi.
“19 năm chạy thận trên Hà Nội, ngoài hỗ trợ của gia đình, các mạnh thường quân, cộng đồng, tôi vẫn phải tranh thủ đi làm thêm từ nhặt đồng nát, chăm sóc người ốm trong bệnh viện… để có thêm thu nhập chữa bệnh cho bản thân” - bà H cho biết.
Gần 20 năm chạy thận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bà H cho biết, không chỉ với những bệnh nhân chạy thận, mà những người mắc bệnh mãn tính, nhất là nhà ai nghèo có người bệnh ung thư là gần như khánh kiệt trong quá trình chạy chữa. Nếu Nhà nước lo được phần viện phí thì không chỉ cứu bệnh nhân, mà cứu luôn cả người thân của họ.
Không chỉ với người bệnh, mà nhiều người dân khi nghe được chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần và tiến tới miễn viện phí cho toàn dân cũng rất kỳ vọng.
Bà Trần Thị Bốn (quận Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: “Hiện nay có nhiều mặt bệnh nguy hiểm, nhất là ung thư. Tuy nhiên, với những người là lao động tự do như tôi thì việc khám sức khỏe định kỳ còn có nhiều hạn chế. Bởi vậy, nghe Nhà nước đang định hướng miễn 100% viện phí mà tôi vừa mừng vừa hy vọng nhiều. Tôi mong chính sách này được thực hiện sớm, để những người dân, nhất là người lao động tự do, người nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”.
Nên ưu tiên cho nhóm yếu thế
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Phenikaa cho rằng, chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần và tiến tới miễn viện phí là một tin tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo.
![]() |
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đinh Thế Tiến. |
Bác sĩ Tiến cho biết, thực tế khám chữa bệnh anh đã từng chứng kiến không ít người bệnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh hiểm nghèo, đã phải vay mượn, phải bán cả gia tài để điều trị bệnh. Thậm chí có những bệnh nhân phải tạm ngưng điều trị vì không đủ điều kiện kinh tế.
“Bởi vậy nếu người dân, ai cũng được chăm sóc sức khỏe tốt, được giải quyết gánh nặng kinh tế đều rất vui mừng. Còn tôi là bác sĩ, rất mong muốn những người có bệnh thật sự, những người khó khăn, yếu thế có cơ hội được điều trị sớm và kịp thời” - bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến cũng nhận định để tiến tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân cần phấn đấu rất nhiều, không chỉ là vấn đề kinh phí, mà còn là vấn đề quản lý y tế, các quy định chuyên môn, hoàn thiện luật bảo hiểm,… Bởi vậy, nếu chưa thể triển khai đồng bộ mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân, thì nên miễn viện phí cho những nhóm yếu thế trước, đặc biệt là nhóm người mắc bệnh mãn tính như: Suy thận mãn, suy tim, hoặc bệnh ung thư…
Cũng theo bác sĩ Tiến phân tích, thực ra điều kiện kinh tế xã hội khó khăn có mối liên quan mật thiết đối với bệnh mãn tính và bệnh hiểm nghèo. “Theo đó, những người nghèo khó, không đảm bảo được vệ sinh, an toàn thực phẩm, không có thời gian luyện tập thể dục thể thao, lạm dụng rượu có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính hoặc ác tính trong tương lai. Và những người dân như vậy thì cũng khó có điều kiện để chữa bệnh. Bởi vậy, việc nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chính là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả” - bác sĩ Tiến cho biết thêm.
Cũng liên quan tới vấn đề này, phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có thông tin liên quan lộ trình tiến tới miễn viện phí và khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc miễn viện phí toàn dân là chủ trương rất lớn, nhân văn, trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Đây không chỉ là chiến lược xây dựng dịch vụ y tế, mà còn là mục tiêu ngành Y tế đang quyết tâm thực hiện.
"Chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài, mà là mục tiêu toàn ngành Y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm, tăng hiệu quả điều trị bệnh, sử dụng tối ưu, giảm gánh nặng tài chính cho người dân. Đồng thời, chính sách này cũng giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
“Sức khỏe tốt hơn đồng nghĩa với năng lực cao hơn, góp phần tăng GDP, giảm nguy cơ tụt hậu kinh tế. Miễn viện phí, ưu tiên cho đồng bằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa sẽ tăng tiếp cận dịch vụ y tế đối với các đối tượng yếu thế, giảm chênh lệch giàu nghèo”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết theo định hướng trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, theo dõi sức khỏe, tiêm chủng vắc xin theo độ tuổi, đối tượng, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh đa khoa tổng quát… ngay từ y tế cơ sở.
Đồng thời, 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm/lần. Trong đó, Thứ trưởng cho biết, ước tính với 100 triệu dân hiện nay và chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng, ngân sách cần bố trí khoảng 25.000 tỷ đồng/năm để thực hiện chính sách này.
![]() |
Bác sĩ Đinh Thế Tiến thăm, khám cho bệnh nhân. |
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu 100% người dân giai đoạn này được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trọn đời. Ngân sách Nhà nước tăng hỗ trợ chi phí BHYT để tiến tới 100% người dân có bảo hiểm y tế.
Đồng thời mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, từng bước chi trả dịch vụ dự phòng khám sàng lọc, khám chữa bệnh. Trong đó, từng bước giảm chi trả của người dân trong tổng chi tiêu dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT xuống dưới 10%.
Đến năm 2045, hệ thống y tế sẽ đáp ứng đẩy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó người dân không phải trả thêm chi phí BHYT khi khám chữa bệnh, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia hàng đầu về dịch vụ y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết để báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị Nghị quyết về đột phá chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp y tế chăm sóc sức khỏe người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân.
Minh Khuê
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chu-truong-mien-vien-phi-chinh-sach-cham-den-trai-tim-hang-trieu-nguoi-dan-189697.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này