Khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Thủ đô Thi trưng bày ảnh “Công đoàn Thủ đô 70 năm đồng hành cùng phát triển” |
70 năm Giấy CNQSHRĐ vẫn được giữ mới như thủa ban đầu
Chùa Đại Điền thuộc thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bao năm vẫn giữ được vẻ trầm mặc, tĩnh lặng cho dù vị trí ở ngay chợ trung tâm và cũng là nơi buôn bán sầm uất nhất xã Tam Hiệp. Trụ trì chùa là Ni sư Thích Đàm Muộn luôn tay bao sái cho sạch lớp bụi phủ trên mấy pho tượng ở gian tam bảo.
Tiếng chuông cuối ngày ngân lên như nhắc tôi nhớ duyên tới chùa hôm nay không chỉ đơn thuần là vãn cảnh. Biết được ý của khách, sư Thích Đàm Muộn đi vào gian buồng nhỏ, lúc sau quay lại, trên tay cầm tấm giấy được ép palastic cẩn thận. Nhìn ra vệt nắng đang nhạt dần trên nền sân gạch, giọng sư Đàm Muộn như lạc về quá khứ: “Đây là Giấy CNQSHRĐ được Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây trước đây cấp cho thày của tôi là Đàm Thắng từ ngày 23/12/1955, đến nay đã được 70 năm. Từ số ruộng đất được cấp đã nuôi sống không chỉ thày tôi cùng gia đình mà còn góp phần duy trì sự tồn tại của chùa cho đến ngày nay.
![]() |
Giấy CNQSHRĐ đứng tên Ni cô Đàm Thắng. Ảnh: K.H. |
Bản thân tôi cũng không ngờ, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây đã quan tâm đến cuộc sống nhân dân, hành động cụ thể nhất là cấp Giấy CNQSHRĐ để người dân yên tâm bám ruộng đất, chăm lo sản xuất không chỉ nuôi bản thân mà còn góp phần ủng hộ kháng chiến”.
70 năm trôi qua nhưng dòng chữ: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” màu mực vẫn còn đỏ tươi như thủa ban đầu. Nội dung trong giấy thể hiện, ngày 23/12/1955, Ni sư Đàm Thắng được Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 18, vào sổ địa bạ số 463. Giấy chứng nhận có nội dung: “Theo điều 31 trong Luật Cải cách ruộng đất của Chính phủ Trung ương đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thông qua, người được chia ruộng đất có quyền sở hữu ruộng đất đó và được tự do sử dụng số ruộng ấy như chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v… Chứng nhận cho Ni cô Đàm Thắng, gia đình có 2 nhân khẩu, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây…”.
Về diện tích đất được cấp ghi rõ: “Ruộng và đất màu gồm có: 4 thửa; diện tích 0 mẫu 6 sào 9 thước. Đất đặc biệt gồm có: 2 thửa; diện tích 0 mẫu 2 sào 5 thước. Kể từ ngày nhận những ruộng đất trên đây Ni cô Đàm Thắng được chính quyền cấp phát giấy này làm bằng chứng”.
Về vị trí đất cũng được ghi rõ tại xứ đồng Kim Hoa, Gốc gạo, Gốc táo, Đồng Xương, Bắc Lũng. Các vị trí đất được cấp đều ghi rõ loại đất, mốc giới, các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc giáp nhà ai, mốc giới nào…
Có thể nói, Giấy CNQSHRĐ này không chỉ xác định được chủ sở hữu ruộng đất mà nó còn như một tài liệu có giá trị lịch sử chứng minh Đảng, Quốc hội, Chính phủ những ngày đầu thành lập đã quan tâm đến đời sống của người dân bằng việc cấp đất để người dân an cư sinh sống và lập nghiệp.
Càng tin tưởng chính sách ưu việt của Nhà nước
Ngược dòng thời gian, ngày 4/12/1953, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức thông qua Luật Cải cách ruộng đất. Thời điểm này ta đang dồn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc thông qua luật thể hiện cho tầm nhìn xa của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… về một cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi. Tầm nhìn ấy đã đúng khi 6 tháng sau ta thắng lợi trong chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.
![]() |
Trụ trì Chùa Đại Điền Thích Đàm Muộn. Ảnh: K.H. |
Điều 31 được đề cập trong Giấy CNQSHRĐ của Ni cô Đàm Thắng thuộc Chương III, Mục 4 về: “Quyền của người được chia”. Chương này bắt đầu từ Điều 21 đến Điều 31 hướng dẫn: “Cách chia ruộng đất”. Nội dung Điều 31 ghi: “Người được chia ruộng đất có quyền sở hữu ruộng đất đó và không phải trả cho địa chủ hay chính quyền bất cứ một khoản nào. Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ấy cho người được chia. Mọi khế ước cũ đều huỷ bỏ. Người được chia có quyền chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v... ruộng đất được chia”.
Hệ thống lại cho thấy, Luật Cải cách ruộng đất gồm năm đạo luật quy định việc tịch thu, trưng thu, thu mua ruộng đất; cách chia ruộng đất; xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
Việc xác lập chủ sở hữu rõ là thế, đáng tiếc đã có lúc Giấy CNQSHRĐ này lại bị chính UBND xã Tam Hiệp nhìn nhận không chính xác. Chuyện rằng, cuối năm 2020, đầu năm 2021, UBND huyện Phúc Thọ giao cho UBND xã Tam Hiệp làm chủ đầu tư dự án xây Nhà văn hóa xã. Mọi gia đình có đất thuộc diện thu hồi cho dự án đều được UBND xã thông báo và áp giá đền bù.
Chùa Đại Điền cũng bị thu hồi 113m2 đất nhưng phía UBND xã không thông báo. Sư Thích Đàm Muộn có tới UBND xã thắc mắc thì được Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính giải thích 113m2 nằm trong dự án không được bồi thường và Giấy CNQSHRĐ không có giá trị pháp lý.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của sư Thích Đàm Muộn, về phía UBND huyện Phúc Thọ đã xác minh và khẳng định, Giấy CNQSHRĐ hoàn toàn hợp pháp, nhà chùa được hưởng các chính sách đền bù như các hộ dân có giấy tờ sở hữu đất khác.
Sư Thích Đàm Muộn nói: “Có lẽ ở thời điểm ấy lãnh đạo xã không nghĩ rằng, sau hàng chục năm vẫn tồn tại được Giấy CNQSHRĐ được cấp ngay từ những ngày đầu khi Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà chính thức thông qua. Đây là kỷ niệm đáng nhớ, còn chủ trương lấy đất để phục vụ cho hoạt động cộng đồng nhà chùa hoàn toàn ủng hộ”.
Từ diện tích đất được chính quyền cấp đã giúp Ni sư Đàm Thắng và bây giờ là Ni sư Thích Đàm Muộn mùa nào thức ấy, trồng lúa và nhiều loại hoa màu duy trì được cuộc sống, có thêm nguồn thu để hương hoa dâng Phật. Cũng chính sự quan tâm của Đảng. Quốc hội, Chính phủ và chính quyền đã góp phần tốt đời, đẹp đạo để ngôi chùa Đại Điền trường tồn đến ngày nay.
Khắc Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/70-nam-day-van-bao-nhieu-tinh-189662.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này