Đại biểu Quốc hội nói về cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học

19:22 | 06/05/2025
Về quy định liên quan đến thương mại hóa sản phẩm, đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là điểm mới, có thể coi là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học, bởi nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và kết hợp với thị trường và doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn thu nhập rất tốt.
Đề nghị cân nhắc việc cấm hoàn toàn mua, bán dữ liệu cá nhân Trao quyền tự chủ, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học Cần chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm chất lượng hàng hóa

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù cho khoa học xã hội và nhân văn
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 01.

Tại Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội), đa số đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra và khẳng định, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu cho rằng, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nội dung về phát triển điện hạt nhân, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân…

Cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu khẳng định, việc ban hành luật là cần thiết, nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), điểm nổi bật của dự thảo Luật này là nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo bên cạnh khoa học công nghệ; phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới.

Bên cạnh đó, rất nhiều khái niệm mới được đưa vào như liêm chính khoa học, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, kiểm thử thí điểm, hệ thống đổi mới sáng tạo, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu… Đây là điểm mới rất tiến bộ, nhằm khuyến khích sáng tạo, dám thử nghiệm.

Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù cho khoa học xã hội và nhân văn
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận.

Còn đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong bối cảnh sự chuyển dịch sản xuất giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nếu không quan tâm đầu tư vào đổi mới sáng tạo, sau một chu kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh, nền kinh tế dễ gặp nguy cơ bong bóng bất động sản, nguy cơ mất cân đối thị trường lao động, thị trường tài chính.

“Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt quan trọng, là luật đầu tiên giúp khơi thông khu vực kinh tế tư nhân, vai trò của khu vực công - tư; luật có sự tinh giản, cô đọng về cấu trúc, có đổi mới tư duy trong tiếp cận đầu ra, là nền tảng để hình thành thị trường khoa học công nghệ”, đại biểu Lê Quân nêu rõ.

Về quy định liên quan đến thương mại hóa sản phẩm, có một số ý kiến băn khoăn về đề xuất phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hay phân chia lợi nhuận sau thuế. Đại biểu Lê Quân cho rằng, quy định theo hướng phân chia lợi nhuận sau thuế, sau khi chuyển giao, trừ chi phí, còn lại lợi nhuận để phân chia (tối thiểu 30% cho nhà khoa học, tối thiểu 30% cho các cá nhân có liên quan đến quá trình chuyển giao, còn lại dành cho các hoạt động khác) là phù hợp.

Theo đại biểu Lê Quân, đây là điểm mới, có thể coi là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học, bởi nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và kết hợp với thị trường và doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ hơn thương mại hóa sản phẩm trong một số trường hợp vì mục đích an ninh, quốc phòng hay hoạt động hợp tác có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, nên áp dụng theo cơ chế thỏa thuận.

Một số ý kiến cho rằng, khi xây dựng luật, cần coi cơ sở giáo dục đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Các trường đại học của nhiều quốc gia trên thế giới đều có tổ hợp nghiên cứu; các nhà giáo ở trường đại học đều là các nhà nghiên cứu và không phân biệt nhà giáo và nhà nghiên cứu. Dự thảo luật chỉ đề cập đến cơ sở giáo dục đại học 15 lần, trong khi các tổ chức khoa học công nghệ đề cập 33 lần, như vậy có khoảng cách rất lớn giữa những việc cơ sở giáo dục đại học và tổ chức khoa học công nghệ được làm. Do đó, cần thống nhất trong dự thảo luật theo hướng đơn vị nào có đủ năng lực có thể tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá cao dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến và đề cập đến khoa học cơ bản và đầu tư cho khoa học cơ bản, một số đại biểu đề nghị cần chú ý đến khoa học xã hội và nhân văn, bởi đây là hồn cốt của dân tộc, giá trị truyền thống, mang lại sức mạnh của dân tộc. Không giống với các ngành khoa học khác, khoa học xã hội nhân văn cần có cơ chế đặc thù là nhà nước đảm bảo kinh phí nghiên cứu, giúp các ngành khoa học xã hội nhân văn phát triển.

Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù cho khoa học xã hội và nhân văn
Đại biểu Lê Quân phát biểu thảo luận.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho biết, dự thảo luật đã xác định rõ khoa học xã hội nhân văn là bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, có vai trò quan trọng trong cung cấp luận cứ về xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Đây là định hướng đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; kết hợp hài hòa giữa khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, so với tầm vóc và nhiệm vụ của khoa học xã hội nhân văn trong giai đoạn hiện nay, cần bổ sung vào dự thảo luật. Bởi quy định như dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ cụ thể, nhất là quy định về chính sách tài trợ, lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, cơ chế hỗ trợ cho khoa học xã hội nhân văn… vẫn chưa tạo động lực để khoa học xã hội nhân văn bứt phá và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Qua tham khảo kinh nghiệm các nước, đều coi trọng sự phát triển của khoa học xã hội nhân văn, coi đây là trụ cột quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; các quốc gia đều có các cơ quan chuyên trách về khoa học xã hội, khoa học hành vi; có chính sách đầu tư riêng và chính sách tài trợ dài hạn về lĩnh vực này. Do vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị quy định rõ hơn việc xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn. Điều này vừa thể hiện sự coi trọng lĩnh vực này, vừa tạo khuôn khổ để triển khai đồng bộ tại trung ương và địa phương.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này