Những điều bất cập
Hà Nội là một đại đô thị với quy mô dân số hơn 8,3 triệu người. Thành phố hiện có trên 7,6 triệu phương tiện giao thông, bao gồm hơn 1 triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại và khoảng 180.000 xe máy điện.
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã có bước phát triển nhanh chóng với nhiều cây cầu được xây mới, nhiều tuyến đường được mở rộng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên trên nhiều tuyến phố và có xu hướng ngày càng phức tạp.
Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng được xem là một trong những giải pháp khả thi và bền vững nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Trong số các loại hình giao thông công cộng, tàu điện (Metro) được đánh giá là phương tiện vận chuyển lý tưởng đối với các đô thị lớn nhờ khả năng chuyên chở khối lượng lớn và vận hành hiệu quả. Theo dự kiến, khi mạng lưới Metro của Hà Nội được hoàn thiện, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng có thể tăng lên mức 35 - 45%, đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân xuống còn khoảng 30%.
![]() |
Hiện xe buýt Hà Nội đang gặp nhiều rào cản khiến loại hình vận tải này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc xe buýt phải di chuyển chung với các phương tiện cá nhân trên các tuyến đường vốn đã quá tải. |
Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km, kết nối trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh và khu vực vùng ven. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại, và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện, mới khai thác đoạn trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy.
Chính vì vậy, dù Metro là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn và có tiềm năng dài hạn, nhưng trước mắt chưa thể kỳ vọng quá nhiều vào mạng lưới này. Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống xe buýt - với mạng lưới rộng khắp và linh hoạt vẫn được xem là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất nhằm giảm áp lực giao thông cho Thủ đô.
Tuy vậy, xe buýt Hà Nội đang gặp nhiều rào cản khiến loại hình vận tải này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc xe buýt phải di chuyển chung với các phương tiện cá nhân trên các tuyến đường vốn đã quá tải. Điều này khiến hành trình của xe buýt bị chậm, không đảm bảo được tính đúng giờ - yếu tố quan trọng để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Chị Nguyễn Thảo Vân, trú tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Xe buýt hiện tại vẫn còn nhiều bất cập như điểm chờ được bố trí chưa hợp lý, thiếu mái che, nhiều nơi bị bôi bẩn hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc xe buýt đi chậm, phải 'giành giật' từng mét đường với các phương tiện khác cũng khiến loại hình này trở nên kém hấp dẫn.
Khảo sát thực tế, không ít tuyến đường tại Hà Nội có vỉa hè quá hẹp hoặc không có vỉa hè, dẫn đến việc không thể lắp đặt nhà chờ xe buýt đạt chuẩn. Nhiều điểm dừng xe buýt còn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong, dừng đỗ xe trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành cũng như an toàn của hành khách khi lên xuống xe.
Khắc phục hạn chế để tăng sức hấp dẫn
Thực tế, Hà Nội đã và đang tích cực khắc phục những hạn chế của xe buýt. Chẳng hạn, trong vấn đề khắc phục hạn chế của điểm dừng, nhà chờ, tại Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 16/4/2025 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố đã phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố”. Thành phố xác định rõ việc cải tạo hạ tầng là một trong những nhóm giải pháp được đặc biệt chú trọng.
![]() |
Hà Nội ra quân chỉnh trang lại các điểm nhà chờ xe buýt. |
Với điểm dừng xe buýt, Thành phố sẽ rà soát, hợp lý hóa lại toàn bộ các điểm dừng về khoảng cách, sự phù hợp về vị trí để hành khách dễ dàng tiếp cận và bảo đảm tính liên thông của mạng lưới (cự ly trung bình 500m trong nội thành và 800m ở ngoại thành).
Sở Xây dựng dự kiến bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng (nâng tổng số điểm dừng lên khoảng 6.500 điểm, tăng 65 - 70% số lượng điểm so với hiện nay); bố trí lại điểm dừng tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tiếp cận gần với các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân và kết nối thuận lợi với các loại hình vận tải khác (taxi, xe đạp công cộng…), bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 300m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).
Về phía Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), đơn vị cũng tích cực cải tạo, duy tu, vệ sinh nhà chờ xe buýt ở các tuyến phố trung tâm, cửa ngõ và các trục giao thông trọng điểm Thủ đô như đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Giải Phóng, Nguyễn Trãi...
Hàng trăm điểm dừng, nhà chờ xe buýt đã được đơn vị kiểm tra, sửa chữa, sơn mới, thay thế kính vỡ, vệ sinh mái che, ghế ngồi và biển báo chỉ dẫn… qua đó trực tiếp góp phần tăng mỹ quan đô thị, tăng sức hấp dẫn của xe buýt tới hành khách.
Ngoài ra, trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe buýt Hà Nội cũng chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng. Cụ thể, Hà Nội hướng tới việc toàn bộ xe buýt được đầu tư mới hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh trong giai đoạn 2025 - 2030. Đến năm 2050, 100% xe buýt trên địa bàn phải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trên thực tế, bằng việc đưa nhiều tuyến buýt sử dụng xe chạy điện, khí CNG vào hoạt động trong thời gian qua, Hà Nội đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân. Không chỉ giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xe buýt “sạch” còn rất được hành khách ưa chuộng vì văn minh, hiện đại, dễ chịu hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan (quận Cầu Giấy), nhân viên kế toán đã về hưu chia sẻ, hơn 1 năm nay, bà bỏ hẳn thói quen tự đi xe máy mà chuyển sang di chuyển hoàn toàn bằng xe buýt điện khi đến nhà con cái, đi thăm người thân hay khám bệnh. Theo bà Lan, khi Hà Nội đưa vào sử dụng xe buýt điện, bà thường đi tuyến buýt số 39 có lộ trình Công viên Nghĩa Đô - Mai Động.
“Xe buýt điện mới vận hành êm ái, ít rung lắc và đặc biệt là không còn bị mùi xăng xe như các xe trước đây nên hành khách đi lại trên tuyến thấy rất hài lòng, không còn cảm giác sợ say xe. Thái độ phục vụ của nhân viên lái xe, bán vé cũng thân thiện hơn nhiều”, bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, việc xe điện vận hành tại Hà Nội không những nâng cao chất lượng của các phương tiện công cộng, mà còn là bước chuyển đổi xanh, giảm thiểu khí thải.
Em Đinh Hương Trà, sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, lúc đầu bản thân chỉ thử đi xe điện để xem trải nghiệm. Nhưng sau vài lần sử dụng thì nhận thấy đây là một lựa chọn rất tốt. Xe buýt điện chạy êm, không có mùi xăng dầu và giá cả cũng hợp lý.
![]() |
Xe buýt điện được đưa vào vận hành đã góp phần bảo vệ môi trường và tăng sức hấp dẫn với hành khách. |
Về phía Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị xác định rõ việc tăng sức hấp dẫn của xe buýt bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, tính riêng trong quý I/2025, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự được Transerco triển khai đồng bộ với 69 khóa và 1.405 lượt học viên. Trong đó, 15 khóa đào tạo cơ bản; 29 khóa đào tạo khắc phục vi phạm; 25 khóa đào tạo chuyên đề, chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, xử lý tình huống nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe.
Về việc nâng cao tính đúng giờ của xe buýt, chuyên gia giao thông Nghiêm Quốc Thắng cho biết, thời gian di chuyển của xe buýt đóng vai trò tích cực giúp tăng tính hấp dẫn của loại phương tiện này. Để cải thiện vấn đề này, ông Thắng cho rằng cần sớm đưa thêm tuyến đường riêng cho xe buýt để cải thiện tốc độ lữ hành.
Xe buýt chính là “xương sống” của hệ thống giao thông công cộng - một lựa chọn văn minh, tiết kiệm và bền vững cho người dân đô thị. Tuy nhiên, để xe buýt thực sự trở thành ưu tiên của người dân, việc tăng sức hấp dẫn cho loại hình vận tải này là nhiệm vụ cấp thiết. Điều đó không thể chỉ dừng ở những cải tiến đơn lẻ, mà cần một chiến lược đồng bộ, từ nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ, đến quy hoạch hợp lý, kết nối thuận tiện và truyền thông hiệu quả. Khi xe buýt đủ tiện nghi, đúng giờ, an toàn và thân thiện môi trường, người dân sẽ tự nguyện lựa chọn, góp phần giảm áp lực giao thông, giảm ô nhiễm và xây dựng một Thủ đô Hà Nội xanh - hiện đại - đáng sống.
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/xe-buyt-can-thay-doi-the-nao-de-tang-suc-hap-dan-189595.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này