Cựu sinh viên kiện Đại học Kinh tế Quốc dân vì "học xong 30 năm mới được cấp bằng"

22:01 | 06/05/2025
Ngày 6/5, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên đơn là ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 43 tỷ đồng.
Xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 đối với Trương Mỹ Lan và đồng phạm Thủ tướng yêu cầu khẩn trương truy tố, xét xử vụ buôn ma túy ở Quảng Ninh để răn đe Nhóm "quái xế" tông tử vong cô gái dừng chờ đèn đỏ lĩnh án

Yêu cầu bồi thường 43 tỷ đồng

Trình bày tại phiên tòa, ông Dương Thế Hảo cho biết ông yêu cầu bồi thường hơn 43 tỷ đồng cho các tổn thất vật chất và tinh thần.

Ông Hảo cho biết bản thân từng là quân nhân phục vụ quân chủng không quân. Sau khi xuất ngũ, ông thi đậu và nhập học tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1989, ông hoàn thành tất cả môn học và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm đạt trở lên, nhận được giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp và đợi cấp bằng.

Nhưng sau đó, ông Hảo không được cấp bằng Đại học, không được trả lại hồ sơ cá nhân bao gồm bằng tốt nghiệp cấp 3, học bạ cấp 3, giấy khai sinh, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ…, tất cả đều là bản chính.

Cựu sinh viên kiện Đại học Kinh tế Quốc dân vì
Ông Dương Thế Hảo tại phiên tòa. (Ảnh: T.N)

Ông Hảo trình bày việc trường giữ bằng Đại học, không trả hồ sơ cá nhân gây ra thiệt hại cả về vật chất, tinh thần. Bản thân ông Hảo mất cơ hội việc làm khi không có bằng đại học, mất thu nhập tiền lương, mất thu nhập ngoài lương.

Ngoài ra, ông Hảo cũng bị ảnh hưởng quyền lợi khác như quyền xác định nơi cơ trú, không thể làm căn cước công dân, hộ chiếu, không thể kết hôn dẫn đến cuộc sống đảo lộn.

Ông Hảo không thể liên kết kinh doanh, không thể xuất ngoại du lịch, học tập, mở rộng thị trường, không thể bầu cử, ứng cử, tham gia tổ chức đảng đoàn, mất cơ hội phát triển bản thân.

Khi sinh con, ông Hảo không thể làm giấy khai sinh cho các con ở Hà Nội, con trai lớn phải gửi về quê nội khai sinh, con gái gửi về quê ngoại khai sinh. Các con ông không thể học tại trường công lập ở Hà Nội mà phải học trường tư với chi phí đắt đỏ.

Tìm thấy hồ sơ ở khe tủ

Tại phiên tòa, nói về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, luật sư đại diện cho phía Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, ông Hảo kiện nhà trường không trả hồ sơ thì ở phiên tòa diễn ra vào năm 2019, nhà trường đã trả lại đủ hồ sơ cá nhân cho ông Hảo. Thời điểm đó, trường đã rất nỗ lực tìm lại hồ sơ của ông Hảo và cuối cùng đã tìm thấy “trong một khe tủ”.

Thời điểm sau khi nhận lại bằng, ông Hảo có quyền khởi kiện đòi bồi thường nhưng không thực hiện ngay, theo quy định, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện.

Theo đại diện nhà trường, ông Hảo tốt nghiệp năm 1989. Đến năm 2017, ông Hảo có thư xin nhận lại bằng và hồ sơ cá nhân. Sau khi nhận được thư này, ban giám hiệu đã phân công cán bộ phụ trách giải quyết yêu cầu của ông Hảo.

Sau khi tìm hồ sơ của ông Hảo không có kết quả, nhà trường đã ban hành văn bản gửi cho ông Hảo. Khi đó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra giải pháp xác nhận tối đa tất cả thông tin liên quan của ông Hảo. Đến ngày 31/7/2019, trường mới tìm được hồ sơ của ông Hảo và đã trao trả cho ông tại phiên tòa mà ông Hảo khởi kiện đòi bằng tốt nghiệp.

Trình bày về lý do thất lạc hồ sơ của ông Hảo, đại diện Nhà trường cho rằng vì lý do khách quan, bất khả kháng khi qua nhiều năm, các lãnh đạo khoa đã nghỉ hưu, có người đã mất, Nhà trường có thời gian thay đổi trụ sở. Hành vi gây thiệt hại do lỗi khách quan, không có chuyện giữ bằng của ông Hảo trong nhiều năm.

Về sổ hộ khẩu, đại diện Nhà trường cho biết khi nhập học, ông Hảo chỉ tạm trú tại trường. Nhà trường không có thẩm quyền chuyển hộ khẩu nên nhà trường không giữ sổ hộ khẩu.

Về số tiền bồi thường 43 tỷ đồng, đại diện Nhà trường cho rằng không có căn cứ để chấp nhận vì trong trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người khởi kiện phải chứng minh được hành vi gây thiệt hại, thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả của hành vi và thiệt hại.

Về lý do ông Hảo thi tốt nghiệp năm 1989 nhưng năm 1994 mới được cấp bằng Đại học, đại diện Nhà trường cho biết năm 1989 ông Hảo có thi nhưng vi phạm quy chế thi nên bị hoãn công nhận tốt nghiệp từ 1-2 năm.

Đến năm 1994, Nhà trường làm thủ tục xét tốt nghiệp cho 19 sinh viên thuộc diện hoãn tốt nghiệp. Có 18 người đã đến liên hệ làm thủ tục để nhận bằng, duy nhất ông Hảo chưa đến làm thủ tục. Đến năm 2017, ông Hảo mới có thư gửi Hiệu trưởng như đã nói trên.

Trình bày thêm về việc ông Hảo tốt nghiệp năm 1994 nhưng bằng lại được cấp năm 2019, Trưởng phòng Tổng hợp Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết năm 1994, phôi bằng Đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Khi sinh viên đến làm thủ tục, Nhà trường mới xin phôi bằng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về, bằng Đại học không phải in sẵn. Do đó, vào năm 1994, chưa có bằng Đại học của ông Hảo.

Năm 2019, sau quá trình giải quyết tại Tòa án, Nhà trường tìm thấy quyết định xét tốt nghiệp năm 1994 và ra quyết định cấp bằng, in bằng và trao bằng Đại học cho ông Hảo tại phiên tòa.

Sau khi thẩm vấn hai bên, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa để phía bị đơn có thời gian làm rõ từng con số trong yêu cầu đòi bồi thường. Theo Hội đồng xét xử, còn một số chứng cứ chưa được làm rõ tại tòa, phiên tòa tạm dừng và Hội đồng xét xử sẽ có thông báo về thời gian mở lại phiên tòa sau.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này