Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên phấn đấu khởi công vào ngày 19/5

19:19 | 06/05/2025
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu đang được Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến mở thầu ngày 16/5 và phấn đấu khởi công vào ngày 19/5/2025. Đây là dự án quan trọng kết nối với tuyến đường từ sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đã định.
Phó Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội: Công tác GPMB là phép thử năng lực giữa các đơn vị liên quan Giải phóng mặt bằng phải là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”

Dự kiến hoàn thành Dự án xây dựng cầu Tứ Liên trong năm 2027

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu chạy qua địa bàn 3 quận, huyện là Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh. Điểm đầu dự án kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ và điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa huyện Đông Anh. Tổng chiều dài phạm vi nghiên cứu khoảng 5,15km. Tổng mức đầu tư là 20.171.000 triệu đồng, trong đó phân chia các dự án thành phần cụ thể như sau:

Trên địa bàn quận Tây Hồ chiều dài tuyến khoảng 1,25km với diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 26,652 ha, dự án đi qua địa bàn các phường Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên.

Trên địa bàn quận Long Biên chiều dài tuyến khoảng 1,35km với diện tích GPMB khoảng 7,812 ha, dự án đi qua địa bàn phường Ngọc Thụy.

Trên địa bàn huyện Đông Anh chiều dài tuyến khoảng 2,55km với diện tích GPMB khoảng 28,070 ha, dự án đi qua địa bàn các xã Xuân Canh và Đông Hội.

Tổng mức đầu tư: Dự án GPMB trên địa bàn quận Tây Hồ: 2.910 tỷ đồng; Dự án GPMB trên địa bàn quận Long Biên: 762 tỷ; Dự án GPMB trên địa bàn huyện Đông Anh: 660 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu 12.116 tỷ đồng.

Nội dung Nghị quyết số: 10/NQ-HĐND ngày 25/2/2025 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố về thông qua chủ trương đầu tư dự án thể hiện, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu được phân chia làm 3 dự án thành phần.

Trong đó, thành phần GPMB do Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên phấn đấu khởi công vào ngày 19/5
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên góp phần kết nối với tuyến đường từ sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Vũ Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, thời gian khởi công dự án vào dịp 19/5/2025 và hoàn thành năm 2027.

Dự án góp phần nâng cao giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố

Ông Vũ Mạnh Tuấn nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên được xác định là dự án quan trọng được lãnh đạo Trung ương, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai đảm bảo các mục tiêu như phấn đấu kết nối với tuyến đường từ sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, dự kiến được hoàn thành vào năm 2026.

Dự án góp phần nâng cao giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đã định trên 8% (tại các Thông báo số 111-TB/VPTW ngày 03/12/2024, số 119-TB/VPTW ngày 20/01/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng; Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2025, Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 27/02/2025 của Chính phủ).

Hiện nay, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến mở thầu ngày 16/5/2025 và phấn đấu khởi công vào ngày 19/5/2025 theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ.

Về cắm mốc GPMB, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đã hoàn thành công tác cắm mốc GPMB của dự án và đã có Văn bản số 1126/BQLCTGT-THDA2 ngày 16/4/2025 gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường về kiểm tra công tác định vị mốc và bàn giao mốc GPMB phạm vi thực hiện dự án.

Hiện, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố kiến nghị tới Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm tổ chức bàn giao mốc cho các địa phương triển khai công tác GPMB của dự án. Phối hợp trong công tác cấp phép thi công liên quan đến an toàn đê điều. Mặt khác, hướng dẫn UBND quận Long Biên trong việc áp dụng lập phương án di chuyển, hoàn trả chùa Long Đại.

Về phía UBND các quận, huyện, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đề nghị UBND quận Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố xác định các vị trí cần thu hồi tạm để tổ chức mặt bằng công trường làm bãi đúc dầm, trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật tư, vật liệu.

Đề nghị UBND các quận, huyện là chủ đầu tư các dự án thành phần GPMB đẩy nhanh tiến độ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo GPMB đáp ứng theo tiến độ triển khai thực hiện dự án, đặc biệt đối với Dự án cầu Tứ Liên, bao gồm công tác di chuyển điện cao thế, trung hạ thế, cấp nước, thông tin.

Cùng với việc khởi công cầu Tứ Liên, trong năm 2025, thành phố Hà Nội cũng khởi công 2 cây cầu vượt sông Hồng khác là cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi. Dự kiến, 2 cây cầu này sẽ khởi công dịp 19/8 và 2/9.

Cầu Trần Hưng Đạo tổng chiều dài khoảng 5,6km. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận, quận Long Biên. Tổng mức đầu tư dự án hơn 15.967 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2025-2027.

Tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5km. Tổng mức đầu tư dự án là 11.844 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.

Các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi có ý nghĩa quan trọng về chính trị và phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả nước và của Thành phố.

Các công trình này giúp đảm bảo tính đồng bộ giữa các dự án đang triển khai như: Trục tuyến đường từ sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) - cầu Tứ Liên và trung tâm chính trị Ba Đình; hoàn thiện khép kín Vành đai 3,5 thành phố Hà Nội đang triển khai kết nối với huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và tăng tính kết nối giao thông liên vùng, kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Hưng Yên.

Ba công trình cầu còn góp phần mở rộng không gian quy hoạch phía Nam sông Hồng, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, giải tỏa áp lực giao thông trên các cầu vượt sông Hồng đang khai thác quá tải như: Cầu Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Vĩnh Tuy…

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này