Bộ Tài chính chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính gây chậm trễ: Thứ nhất, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng (như y tế, giáo dục, môi trường…) gặp khó trong việc xác định chi phí quản lý, tư vấn do thiếu định mức cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực, kèm theo nhiều thay đổi trong hướng dẫn bồi thường - giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án phải chờ hướng dẫn hoặc điều chỉnh kế hoạch.
Thứ hai, việc phân bổ vốn còn chưa sát thực tế. Một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán nên không thể phân bổ hết kế hoạch vốn đúng thời hạn. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính cũng làm gián đoạn tiến độ triển khai ở cấp huyện - nơi đảm nhận phần lớn công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện dự án.
![]() |
(Ảnh minh họa) |
Thứ ba, vướng mắc trong thực hiện các dự án ODA. Nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, dẫn đến phải sửa đổi Hiệp định vay - quy trình vốn kéo dài do qua nhiều cấp phê duyệt. Cùng lúc đó, khó khăn trong công tác đền bù, xác định nguồn gốc đất, giá đất mới… càng làm chậm giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, năng lực cấp xã còn hạn chế trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều xã e ngại sai sót, không quyết liệt trong giải ngân do thiếu cán bộ chuyên trách hoặc thiếu kinh nghiệm tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cảnh báo các yếu tố khách quan như thiếu vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu tăng, quy hoạch khoáng sản chồng lấn, hoặc dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa kịp hoàn tất hồ sơ nghiệm thu. Dịp Tết Nguyên đán đầu tháng 2/2025 cũng khiến tiến độ giải ngân quý I bị gián đoạn.
Để đẩy mạnh tiến độ, Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng về phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Trình Thủ tướng phương án xử lý số vốn chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, đảm bảo điều tiết cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh.
Với dự án ODA, đề nghị các chủ đầu tư chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và nhà tài trợ để tháo gỡ sớm các thủ tục điều chỉnh. Các địa phương cần đẩy nhanh thu ngân sách địa phương (nhất là thu từ sử dụng đất) để kịp tiến độ phân bổ vốn ngân sách địa phương.
Về các chương trình mục tiêu quốc gia, cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cấp xã, kể cả cử cán bộ chuyên trách về tận nơi phối hợp thực hiện. Đối với dự án lớn, thi công gấp rút hoặc vùng khó khăn, cần siết chặt giám sát, chia sẻ trách nhiệm rõ ràng giữa các bên liên quan.
Yêu cầu chủ đầu tư chủ động tạm ứng vốn sau khi ký hợp đồng để nhà thầu chuẩn bị vật tư, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và thanh toán. Rà soát kế hoạch giải ngân theo quý, báo cáo tiến độ định kỳ để có cơ sở cắt giảm vốn từ dự án chậm, bổ sung cho dự án cấp bách, có khả năng hoàn thành sớm.
Bảo Thoa
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nhieu-vuong-mac-keo-chan-tien-do-giai-ngan-189577.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này