Dự kiến dùng trung tâm thương mại, ký túc xá làm trụ sở phường mới ở Hà Nội sau sắp xếp

09:42 | 06/05/2025
Hà Nội dự kiến dùng tạm ký túc xá Pháp Vân, Trung tâm thương mại Trung Văn làm trụ sở một số phường mới sau sáp nhập.
Hà Nội: Khẩn trương lấy ý kiến Nhân dân về phương án sắp xếp và tên đơn vị hành chính mới Chi tiết dự kiến tên gọi, số lượng phường, xã mới ở Hà Nội Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội thông qua, 125 phường, xã mới đã có phương án trụ sở, riêng phường Hồng Hà vẫn chưa được đề xuất.

Phường Yên Sở hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Yên Sở (thuộc quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Trần Phú (thuộc quận Hoàng Mai); xã Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì).

Thành phố dự kiến trụ sở các cơ quan của phường mới (Đảng ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) được bố trí tạm thời tại một trong số các Tòa nhà sinh viên hiện có tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Dự kiến dùng trung tâm thương mại, ký túc xá làm trụ sở phường mới ở Hà Nội sau sắp xếp
Phường Yên Sở dự kiến sử dụng tạm một tòa nhà khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp làm trụ sở. (Ảnh: Võ Hải)

Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000 m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Công trình gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng. Tuy nhiên, hơn chục năm xây dựng, hiện chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Trong đó, tòa A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, tòa A2, A3 dừng lại ở phần thô. Năm 2017, Sở Xây dựng đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến năm 2024 thành phố mới lên kế hoạch dành hơn 220 tỷ đồng để thực hiện việc này.

Phường Đại Mỗ được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đại Mỗ, Trung Văn (thuộc quận Nam Từ Liêm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Đô, Mễ Trì (thuộc quận Nam Từ Liêm); Mộ Lao, Dương Nội (thuộc quận Hà Đông); Trung Hòa (thuộc quận Cầu Giấy); Nhân Chính (thuộc quận Thanh Xuân).

Dự kiến, Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của phường Đại Mỗ (mới) sẽ sử dụng Trung tâm thương mại Trung Văn làm trụ sở. Nguyên nhân là do trên địa bàn phường Trung Văn hiện chỉ có một trụ sở cơ quan hành chính có thể sử dụng, nhưng diện tích lại không đủ để bố trí đầy đủ các cơ quan của phường Đại Mỗ sau sáp nhập.

Dự kiến dùng trung tâm thương mại, ký túc xá làm trụ sở phường mới ở Hà Nội sau sắp xếp
Một góc của Trung tâm thương mại dịch vụ Trung Văn, nơi dự kiến là trụ sở các cơ quan phường Đại Mỗ. (Ảnh: Võ Hải)

Trung tâm thương mại dịch vụ Trung Văn tọa lạc tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, gồm hai khu nhà cao 2 tầng với tổng diện tích hơn 17.000 m2. Khu trung tâm này đã hoàn thành từ năm 2012 và đang được hàng chục cá nhân, tổ chức thuê để kinh doanh và làm kho bãi.

Đặc biệt, trong 126 xã phường được hình thành sau sắp xếp, duy nhất chỉ có phường Hồng Hà đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa đề xuất dự kiến đặt trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở đâu.

Phường Hồng Hà được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên).

Thành phố chưa giải thích về điều này, nhưng với việc phường Hồng Hà bao phủ khu vực dân cư rộng lớn dọc hai bên sông Hồng thuộc 5 quận, việc tìm một vị trí phù hợp làm trụ sở là một thách thức.

Đối với 123 phường xã còn lại, Hà Nội dự kiến bố trí nơi làm việc tại các trụ sở cũ của 30 quận, huyện, thị xã và một số phường, xã.

Dự kiến dùng trung tâm thương mại, ký túc xá làm trụ sở phường mới ở Hà Nội sau sắp xếp
Một phần dân cư phường Hồng Hà mới nhìn từ trên cao. (Ảnh: Giang Huy)

Hà Nội đang rà soát và xây dựng phương án sử dụng trụ sở của 30 quận huyện và 526 phường xã trước khi thực hiện sắp xếp hành chính. Theo kế hoạch, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội sẽ giảm từ 526 xuống còn 126 (gồm 50 phường và 76 xã), tương ứng với việc dôi dư hàng trăm trụ sở.

Đề án sắp xếp của thành phố Hà Nội định hướng ưu tiên bố trí các trụ sở này ở vị trí trung tâm, có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là kết nối của hệ thống giao thông giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, ưu tiên cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, trung tâm phục vụ hành chính công của các phường xã mới, không gian công cộng, hoặc giao cho các tổ chức quản lý, khai thác nhằm tránh lãng phí.

Theo nguyên tắc xác định trung tâm hành chính của UBND thành phố Hà Nội, Thành phố sẽ lựa chọn trụ sở của quận, huyện, thị xã hiện nay để làm trụ sở của 1 đơn vị hành chính cơ sở mới. Các đơn vị hành chính cơ sở mới khác thì lựa chọn trụ sở của 1 trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện có để làm trụ sở để bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trường hợp trung tâm hành chính của 1 đơn vị không đảm bảo điều kiện và diện tích làm việc thì có thể tổ chức trụ sở của cơ quan Đảng, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở ở các địa điểm khác nhau.

H.P (t/h)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này