Trend uống nước cốt chanh chữa “bách bệnh”: Được một, mất mười

16:59 | 05/05/2025
Thời gian gần đây, mạng xã hội rộ lên phong trào “uống nước cốt chanh liều cao” để trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh dạ dày và đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành Y tế cảnh báo, không nên lạm dụng nước cốt chanh vì có thể “được một, mất mười”.
Từ 1/6: Sử dụng VssID, VNeID và Căn cước công dân gắn chip để khám, chữa bệnh BHYT Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả

Uống càng nhiều nước cốt chanh càng tốt?

Gần đây, trên nhiều hội nhóm và trang cá nhân Facebook, một trào lưu đang được lan truyền rộng rãi: Uống nước cốt chanh nguyên chất vào buổi sáng khi bụng đói như một phương pháp “thải độc”, chữa bệnh dạ dày, làm đẹp da và tăng cường sức khỏe.

Trend uống nước cốt chanh chữa “bách bệnh”: Được một, mất mười
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh về việc uống nước cốt chanh rộ lên dạo gần đây.

Cụ thể, một tài khoản có tên N.T.P thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cá nhân cùng những thông tin tự nhận là “nghiên cứu y học cổ truyền 10 năm”. Theo chị P, “thời điểm vàng” để uống nước cốt chanh là từ 5h đến 7h sáng - khi “khí huyết vừa tỉnh” - nhằm “đẩy độc tố tích tụ qua đêm ra khỏi cơ thể”.

Chị P khuyến nghị, bắt đầu với 1-3 quả chanh mỗi sáng, sau đó tăng dần lên 5-10 quả nếu cảm thấy phù hợp. Đáng chú ý, phương pháp này được khuyến khích thực hiện bằng nước cốt chanh nguyên chất, không pha thêm nước hay đường, với mục đích “giữ vị chua thuần khiết và thanh nhiệt”.

Bên cạnh đó, còn có người chia sẻ về việc dùng nước cốt chanh để nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai hằng ngày (?). Người này chia sẻ: “Bạn nào bị các bệnh về tai, mũi, họng biết ngay, nhỏ vào rất xót, nhất là các bạn bị bệnh sẵn nhưng sau đó dịch tuôn ra ào ào, dần dần bệnh khỏi lúc nào không hay. Bạn nào có bản lĩnh thì cứ dùng thử…”.

Trend uống nước cốt chanh chữa “bách bệnh”: Được một, mất mười
Nhiều người chia sẻ về tác dụng "thần kỳ" của nước cốt chanh.

Đáng lo ngại, trong làn sóng lan truyền này còn xuất hiện một số tài khoản tự xưng là bác sĩ, đưa ra những khuyến nghị thiếu căn cứ khoa học. Một người dùng tên Ch viết: “Chanh khi vào cơ thể sẽ kiềm hóa rất mạnh, giúp điều hòa huyết áp, giảm đường huyết, thải độc gan, thận, mật và ruột. Uống nước cốt chanh khi bụng rỗng là cách để bảo vệ hệ tiêu hóa, chỉ sau 10 phút là đi vệ sinh ngay”.

Những thông tin trên đang thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận, khiến không ít người hoang mang và làm theo mà không tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhiều lần cảnh báo việc sử dụng nước cốt chanh nguyên chất, đặc biệt với liều lượng lớn và khi bụng đói, có thể gây hại nghiêm trọng cho dạ dày, men răng, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe nếu lạm dụng.

Cẩn trọng trước khi làm theo trào lưu

Dù chanh là loại quả giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, song việc lạm dụng nước cốt chanh - đặc biệt là uống nguyên chất khi bụng đói - có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Theo Dược sĩ Ngọc Diệp (Trường Đại học Dược Hà Nội), nước cốt chanh chứa nhiều dưỡng chất như vitamin C (30 - 40 mg/50ml), axit citric, flavonoid, polyphenol và kali. Những thành phần này có khả năng tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát đường huyết, ổn định huyết áp và chống viêm.

Tuy nhiên, dược sĩ Diệp cảnh báo: “Chanh dù tốt đến đâu cũng cần sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Việc uống nước cốt chanh đậm đặc vào buổi sáng sớm, khi bụng rỗng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi”.

Trend uống nước cốt chanh chữa “bách bệnh”: Được một, mất mười
Hàng loạt hội nhóm liên quan đến uống nước cốt chanh hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Tuy thế, người dân nên cẩn trọng trước khi quyết định uống nước cốt chanh theo trào lưu.

Tác hại đầu tiên là gây hại cho dạ dày vì hàm lượng axit trong chanh cao. Nếu uống quá nhiều chanh, uống nước cốt chanh không pha loãng, hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng…, nhất là với người bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày.

Tiếp đến, do chanh có vị chua nhiều, nên người uống thường muốn cho thêm một lượng đường lớn vào nước chanh để dễ uống hơn. Lượng đường bổ sung này có thể mang lại nhiều tác hại đối với sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, huyết áp… Với người bệnh thận cần hạn chế kali, uống nhiều chanh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận.

Ngoài ra, axit citric trong chanh có thể làm mòn men răng khiến răng nhạy cảm, ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng. Chanh cũng có thể khiến các vết loét trong miệng đau và lâu lành hơn. Nhiều người thường bị nhầm axit citric trong chanh với vitamin C, do cả hai đều có vị chua. Nhưng bạn cần lưu ý, axit citric có vị chua mạnh, là chất tạo độ chua cho quả chanh; trong khi vitamin C chỉ có vị chua nhẹ và rất dịu. Vậy nên, thực phẩm giàu vitamin C không nhất thiết phải có vị chua như chanh.

Cuối cùng là chanh có chứa axit amin tyramine. Do đó, khi uống quá nhiều nước chanh sẽ gây dư thừa loại axit này và khiến máu đột ngột dồn lên não gây ra các cơn đau nửa đầu.

Trên thực tế, mới đây, chị N.H.N (33 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì đau bụng do uống “chanh liều cao” trong thời gian khoảng một tháng. Do được bạn học cũ chia sẻ về việc sử dụng nước cốt chanh trị nhiều bệnh như trào ngược dạ dày, thải độc và kèm theo nhiều bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này, nên chị đã làm theo. Kết quả, trong một chuyến đi công tác, chị đã phải vào thẳng bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán viêm dạ dày và ruột cấp, hậu quả của việc uống chanh liều cao mỗi ngày.

Chanh hoàn toàn có thể là một phần của chế độ dinh dưỡng lành mạnh nếu được sử dụng đúng cách, chẳng hạn như pha loãng với nước ấm, dùng như gia vị trong bữa ăn hoặc kết hợp với thực phẩm khác. Tuyệt đối không nên uống nước cốt chanh nguyên chất khi bụng đói hoặc sử dụng theo “liệu trình truyền miệng” thiếu cơ sở khoa học.

“Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể. Nếu sau khi dùng chanh thấy các triệu chứng như đau dạ dày, ê buốt răng, buồn nôn… thì cần dừng ngay và đến cơ sở y tế để được tư vấn chuyên môn”, dược sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo.

Kim Quyên - Phương Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này