Quốc hội sẽ xem xét rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

20:28 | 04/05/2025
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuẩn bị các hồ sơ sửa đổi Hiến pháp Nhất trí trình Quốc hội xem xét miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông

Đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử

Chiều 4/5, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan của Quốc hội đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, bầu cử và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Trả lời câu hỏi về trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Theo bà Thủy, thời gian kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thường vào tháng 1, như các kỳ trước thì sẽ tiến hành bầu cử vào cuối tháng 5. Tức là theo thông lệ sẽ có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

"Tuy nhiên, thời gian 4 tháng là khá dài. Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhất trí báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa tới có thể tiến hành gần nhất có thể sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc.

Quốc hội sẽ xem xét rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: QH

Như thế sẽ thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự các cơ quan của Nhà nước", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết.

Luật Bầu cử sẽ được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có

Trả lời về việc không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành sau sáp nhập mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, đây là nội dung được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận.

Tại Kết luận 150, Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong Ủy ban nhân dân (UBND), HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp, thay cho việc bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.

"Đây là cơ chế trước đây chưa thực hiện, nhưng lần sắp xếp này có đặc điểm khác biệt so với việc sắp xếp đơn vị hành chính trước đây. Trước đây, cả nước đã có 2 đợt sắp xếp tương đối lớn vào năm 2019 - 2021 và 2023 - 2025.

Nhưng lần này, ngoài việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, chúng ta còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện. Vì thế, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sáp nhập tỉnh, nhập xã”, theo bà Thủy.

Để đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ, công chức đang công tác ở cấp huyện làm việc ở các cơ quan, đơn vị mới cũng như khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo trong lần sắp xếp này, sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp.

Bà Thủy cũng nêu rõ, việc này chỉ thực hiện trong năm 2025, ứng với lần thực hiện sắp xếp quy mô lớn, còn những năm sau sẽ thực hiện bầu bình thường như thông lệ, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.

Quốc hội sẽ xem xét rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: QH

Việc này cũng sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại quy định về chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Lấy ý kiến trực tuyến thông qua app điện tử VNeID

Thông tin về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết: "Nội dung sửa đổi cụ thể chưa đề cập, nhưng các vấn đề tập trung nghiên cứu đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến tập trung các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại Chương 9 Hiến pháp liên quan chính quyền địa phương các cấp.

Với nội dung phạm vi nghiên cứu sửa đổi như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Số điều của Hiến pháp có khả năng được sửa hiện tại theo dự kiến là khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều", bà Thủy thông tin.

Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Sau khi thành lập, Ủy ban này sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Dự thảo Nghị quyết này sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân. Sau đó, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của Nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, chậm nhất là trước ngày 26/6, làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.

Đáng quan tâm, trong lần lấy ý kiến Nhân dân lần này, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, thì có thể áp dụng hình thức tham gia ý kiến, lấy ý kiến trực tuyến thông qua app điện tử VNeID.

“Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai để lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng này. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến Nhân dân", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này