Giải phóng mặt bằng phải là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”

20:37 | 04/05/2025
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường, để có được thành công trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện với tinh thần coi đây là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm”, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”. Huyện ủy, UBND huyện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, công khai các văn bản pháp lý, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án…
Công khai tiến độ, quy hoạch, khung giá đền bù giúp Dự án xây dựng cầu Tứ Liên đẩy nhanh tiến độ Phó Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội: Công tác GPMB là phép thử năng lực giữa các đơn vị liên quan

Nhiều dự án trọng điểm

Huyện Đông Anh, Hà Nội đang triển khai thực hiện 370 dự án, trong đó: 367 dự án sử dụng ngân sách Huyện và hỗ trợ mục tiêu Thành phố; 03 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung Thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 105.411 tỷ đồng.

Trong đó có 9 dự án trọng tâm, trọng điểm gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên (từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa) đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án Xây dựng 2 tuyến đường gom dọc theo Quốc lộ 3 mới (đoạn từ nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Quốc lộ 3 mới) đến hết địa phận huyện Đông Anh; Dự án Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Đản Dị đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh; Dự án Xây dựng tuyến đường gom và kè sông Đào Nguyên Khê đoạn từ đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến cầu Phù Lỗ, huyện Đông Anh; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh; Dự án Xây dựng Trường Mầm non Đông Hội; Dự án Xây dựng Trường Trung học cơ sở Lại Đà; Dự án Xây dựng khu văn hóa cộng đồng thôn Lại Đà; Dự án Xây dựng hoàn thiện Hạ tầng khu cây xanh phía Tây Nam thôn Lại Đà.

Giải phóng mặt bằng phải là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Đông Anh.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ và điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa huyện Đông Anh.

Tại huyện Đông Anh, diện tích GPMB phục vụ cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu là 26,11 ha với tổng mức đầu tư 660 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Đông Anh.

Cùng với các quận Tây Hồ, Long Biên, công tác GPMB và chuẩn bị giao đất tái định cư cũng đang được huyện Đông Anh quyết liệt triển khai. Theo lộ trình, công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được tiến hành trong quý III/2025 và tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, thực hiện GPMB sẽ vào quý IV/2025.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Đông Anh, khó khăn, vướng mắc thường gặp tại các dự án trên địa bàn huyện gồm: Quy trình thực hiện theo Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung thay đổi, bổ sung so với Luật Đất đai 2013 dẫn đến thời gian thực hiện đối với các trường hợp không hợp tác kiểm đếm tới bước ban hành quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất mất nhiều thời gian, khối lượng giải quyết hồ sơ.

Một khó khăn khác liên quan đến công tác di chuyển mộ do các hộ gia đình, cá nhân không hợp tác. Một số ngôi là mộ Tổ của dòng họ liên quan đến sự thống nhất của nhiều hộ gia đình.

Bên cạnh đó, một số dự án đang triển khai công tác GPMB nhưng chưa có quyết định phê duyệt giá đất nông nghiệp làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Việc xác định giá đất ở khó khăn, mất nhiều thời gian…

Tìm giải pháp đưa các dự án cán đích đúng lộ trình

Thống kê của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 370 dự án vốn ngân sách huyện và hỗ trợ mục tiêu Thành phố, có tới 162 dự án chuẩn bị đầu tư (35 dự án mới, 127 dự án chuyển tiếp) với tổng mức đầu tư 51.814.000 triệu đồng.

203 dự án thực hiện đầu tư (48 dự án mới, 155 dự án chuyển tiếp) với tổng mức đầu tư 26.798.797 triệu đồng, hiện đang thi công 120 dự án; 5 đồ án quy hoạch; 03 dự án thực hiện đầu tư thuộc vốn ngân sách tập trung Thành phố.

Về phía Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đang thực hiện công tác GPMB đối với 100 dự án, trong đó có 11 dự án trọng điểm Thành phố; 01 dự án trọng điểm huyện và 64 dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư.

Đối với dự án do Ban QLDA làm chủ đầu tư và dự án của các chủ đầu tư khác giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện GPMB lên tới 20 dự án.

Với một khối lượng lớn công việc liên quan đến nhiều dự án, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh cùng các đơn vị liên quan đã tìm ra nhiều giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB, phấn đấu đưa các dự án cán đích đúng lộ trình đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường đúc kết kinh nghiệm, để có được thành công trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trong công tác chỉ đạo từ huyện tới cơ sở.

Với tinh thần coi đây là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác GPMB phải là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”, Huyện ủy, UBND huyện đã phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Hàng tuần, đại diện Thường trực, Thường vụ Huyện ủy đều trực tiếp xuống cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều bố trí thời gian đi kiểm tra trực tiếp các dự án tại cơ sở.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Nhà nước, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao khi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai các dự án.

Các xã, thị trấn tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Những nội dung vượt thẩm quyền được đảng ủy, UBND các xã tiếp thu, tổng hợp, báo cáo huyện và Thành phố xem xét, giải quyết kịp thời…

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư, Ban QLDA và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với UBND các xã nơi có đất bị thu hồi và các phòng ban chuyên môn tổ chức họp công khai các văn bản pháp lý của các dự án, phương án dự thảo, tổ chức khảo sát, điều tra, lập phương án; trình phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường hỗ trợ...

Công tác tái định cư, cần có sự công khai, minh bạch, nơi người dân, tổ chức được tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn vị trí ban đầu. Không chỉ lo tái định cư cho người sống mà Huyện ủy, UBND huyện cùng các đơn vị liên quan còn lo tái định cư cho người chết. Các nghĩa trang nơi có mộ từ các dự án chuyển tới bao giờ cũng khang trang, xanh, đẹp. Từ đó, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân khi có mộ phần của gia đình nằm trong đất dự án.

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này