Từ 1/7/2025, thay đổi mức hưởng chế độ nghỉ ốm đau dài ngày

07:37 | 03/05/2025
Từ 1/7/2025, người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày của Bộ Y tế không còn được hưởng chế độ tối đa trong 180 ngày như quy định hiện hành.
Quyền lợi khi đi khám chữa bệnh BHYT vượt tuyến, trái tuyến Từ 1/6: Sử dụng VssID, VNeID và Căn cước công dân gắn chip để khám, chữa bệnh BHYT Hơn 207 triệu lượt đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân

Tham gia các cuộc Đối thoại, truyền thông chính sách các chính sách mới do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn các quận/huyện/ngành tổ chức, nhiều người lao động mong muốn được giải đáp về thời gian hưởng chế độ nghỉ ốm đau dài ngày theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (Luật BHXH năm 2024).

Cụ thể, người lao động nêu câu hỏi: Tôi nghe nói theo Luật BHXH năm 2024, người tham gia BHXH sẽ không được hưởng chế độ nghỉ ốm đau dài ngày như trước nữa, điều này có đúng không? Chi tiết chế độ ốm đau người lao động được hưởng theo Luật mới như thế nào?

Từ 1/7/2025, thay đổi thời gian hưởng chế độ nghỉ ốm đau dài ngày
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I giải đáp câu hỏi của người lao động.

Giải đáp nội dung trên, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I cho biết: Hiện nay, theo Khoản 2 Điều 26 Luật BHXH năm 2014, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì được hưởng chế độ ốm đau trong tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Sau khi hết thời gian nghỉ này, nếu người lao động cần tiếp tục điều trị thì người lao động sẽ được hưởng mức thấp hơn.

Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2024 đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Thay vào đó, Điều 45 Luật BHXH năm 2024 quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau như sau:

Người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH trong thời gian như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường:

+ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn theo Khoản 3 Điều 45:

Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;

Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm.

Như vậy, từ 1/7/2025, người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày của Bộ Y tế không còn được hưởng chế độ tối đa trong 180 ngày như quy định của Luật hiện hành.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này