Ký ức không phai
Trong căn nhà nhỏ nép mình nơi góc phố phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), ông Nguyễn Tiến Thưởng - người cựu chiến binh năm xưa ngồi lặng bên tách trà nóng, đôi mắt xa xăm như đang ngược dòng thời gian trở về một thuở rực lửa. Tuổi đã ngoài 80, mái đầu bạc trắng theo sương gió cuộc đời, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến tranh vẫn hằn in rõ nét. Từng khúc hành quân, từng tiếng nổ, từng đồng đội ngã xuống… tất cả dường như chưa bao giờ phai.
![]() |
Thế hệ trẻ Sơn Tây chụp ảnh lưu niệm cùng nhân chứng lịch sử - cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thưởng. |
Ông Thưởng sinh năm 1941, là lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 273 - Quân đoàn 3 Tây Nguyên. Vào thời khắc lịch sử của mùa xuân năm 1975, ông và đồng đội là một phần của Binh đoàn Bộ binh cơ giới, những người lính thép đã góp phần làm nên Chiến thắng huy hoàng của dân tộc – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Chúng tôi hành quân hơn 300 cây số từ Tây Nguyên vào Bắc Củ Chi. Mỗi bánh xích lăn qua đều in sâu khát vọng hòa bình. Đơn vị nhận nhiệm vụ phối hợp cùng Sư đoàn 10, Sư đoàn 20 tiêu diệt Sư đoàn 25 của Ngụy tại căn cứ Đồng Dù, rồi mở đường thọc sâu vào tim địch”. Giọng ông Thưởng trầm lại khi nhắc về những ký ức một thời hoa lửa.
Tôi chợt thấy người cựu chiến binh lặng đi như thể ký ức lúc này không còn là câu chuyện kể, mà là một thước phim quay chậm, quay lại từng khung cảnh rực lửa.
Theo lời ông Thưởng, từ Củ Chi, đoàn quân thép vượt 70 cây số, xuyên qua đêm, qua lửa, qua cả những cái bẫy cuối cùng của kẻ thù - hướng về Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Trong chiến dịch thần tốc chỉ vỏn vẹn 5 ngày, từng phút đều đong bằng máu và nước mắt. Rạng sáng 29/4, tiếng pháo như sấm rền trút xuống Đồng Dù. Những chiếc xe tăng M41 và M48 thu được của địch từ Tây Nguyên lầm lũi băng qua cầu Bông – mũi nhọn xé toạc phòng tuyến cuối cùng tiến vào Sài Gòn.
Ngôi nhà nhỏ nơi góc phố Sơn Tây không có gì đặc biệt, nhưng trong đó, có một ngọn lửa âm ỉ cháy – ngọn lửa của ký ức, của tình yêu nước, của người lính đã góp phần nối liền Bắc – Nam bằng cả trái tim và máu thịt mình. Mỗi câu chuyện ông Thưởng kể lại không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là những ngọn lửa nhỏ thắp sáng tình yêu nước, lý tưởng sống đẹp trong thế hệ trẻ. Và chính tinh thần ấy đã trở thành nguồn sức mạnh vô hình, góp phần vào sức mạnh của dân tộc, đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên, thực hiện những sứ mệnh to lớn hơn trong tương lai. |
Ngày 30/4, trận đánh cuối cùng diễn ra. Địch chống trả quyết liệt tại ngã tư Bảy Hiền. Xe tăng số 985 do đồng chí Mai Trọng Hoạt chỉ huy đã tăng tốc, dũng mãnh lao thẳng vào xe của địch. Trong làn khói dày, bùn đất bám chặt thân xe, những người lính không chần chừ một giây - phía trước là Tổ quốc.
“Tôi còn nhớ như in cảnh một xe tăng của ta bị bắn cháy. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, đại đội trưởng, từ trên tháp pháo cầm súng 12,7mm đáp trả – anh hy sinh ngay tại vị trí chỉ huy. Không ai lùi bước. Anh ngã xuống, đồng đội lại tiến lên. Cứ như thế, lớp này nối lớp kia, gạt lệ mà xông lên,” ông Thưởng nghẹn lời, mắt đỏ hoe.
Đúng 11 giờ trưa ngày 30/4, Quân đoàn 3 hoàn thành nhiệm vụ trên hướng Tây Bắc. Khi tin báo về: Dinh Độc Lập đã bị đánh chiếm, nội các Sài Gòn đầu hàng, cả đơn vị vỡ òa trong nước mắt – nước mắt của người lính đã đi qua bao mùa chia ly, máu đổ, nước mắt rơi để đổi lấy một ngày yên bình.
Ông lặng đi một lúc rồi kể tiếp, như chính ông cũng đang sống lại khoảnh khắc không thể nào quên ấy: “Sau tiếng súng cuối cùng, người dân Sài Gòn ùa ra từ khắp các ngả đường. Họ mang hoa, mang cờ đỏ sao vàng, họ reo hò, họ ôm lấy chúng tôi, nước mắt hòa trong nụ cười. Tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc nào giản dị mà thiêng liêng đến thế…”
![]() |
Tuổi đã ngoài 80, mái đầu bạc trắng theo sương gió nhưng những ký ức của người cựu chiến binh về ngày đất nước nối liền một dải vẫn không mờ phai. |
Quanh những chiếc xe tăng lấm bùn là vòng tay xiết chặt. Những bàn tay bé nhỏ của trẻ con níu áo lính. Những cụ già dúi vào tay bộ đội từng mẩu bánh mì, bình nước. Sài Gòn hôm ấy – không còn là một thành phố – mà là một trái tim lớn đập cùng nhịp với Tổ quốc.
Nỗ lực xây dựng quê hương
Chiến tranh lùi xa, tiếng súng im từ nửa thế kỷ trước, nhưng với ông Nguyễn Tiến Thưởng - người lính xe tăng năm xưa - cuộc chiến chưa bao giờ thật sự kết thúc. Đó là cuộc chiến của những người trở về, mang trong tim vết thương không tên và ký ức chẳng thể gọi thành lời. Nhưng ông không sống với quá khứ, mà lấy quá khứ làm hành trang để dựng xây hiện tại.
Trở về quê hương Sơn Tây sau ngày đất nước thống nhất, ông Thưởng không chọn nghỉ ngơi. Ông xắn tay góp sức vào những công việc bình dị nhất – từ phong trào xây dựng nông thôn mới, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đến việc tham gia tổ chức cựu binh tại địa phương. Suốt 10 năm liền giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Sơn Lộc, ông là linh hồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước, là người anh cả tận tâm, gương mẫu, được đồng đội tin yêu và nhân dân quý trọng.
![]() |
Những câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thưởng không chỉ là tư liệu sống về lịch sử, mà còn là ngọn lửa âm thầm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng sống đẹp trong thế hệ trẻ. |
Dáng ông vẫn khỏe, giọng nói vẫn đầm ấm, nhưng sâu trong ánh mắt là sự từng trải của một thế hệ đã sống và cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng. Ông bảo, cuộc sống hôm nay tuy giản dị, nhưng là phần thưởng lớn nhất mà lớp người như ông từng mơ ước: một đất nước thống nhất, nhân dân sống trong yên bình, trẻ con được đến trường.
"Chúng tôi không mong gì hơn. Những gì đã trải qua, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn lên đường vì Tổ quốc," ông nhẹ nhàng nói, ánh mắt sáng lên niềm kiêu hãnh.
Sơn Tây hôm nay đã khác xưa. Những con đường trải nhựa thẳng tắp, khu phố khang trang, không còn bóng dáng hộ nghèo. Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, quốc phòng – an ninh được giữ vững.
![]() |
Rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường nhưng cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thưởng vẫn thầm lặng cống hiến, xây dựng quê hương Sơn Tây giàu đẹp. |
Nhắc về điều đó, ông Thưởng không giấu được niềm tự hào: “Chúng tôi vui vì biết mình đã góp một phần nhỏ bé trong hành trình ấy. Tôi tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Và tôi tin, những hy sinh của đồng đội tôi năm xưa sẽ không bao giờ là vô nghĩa.”
Với ông, mỗi ngày sống là một ngày tri ân - tri ân đồng đội đã ngã xuống, tri ân nhân dân một thời bền gan sắt đá, tri ân cuộc đời đã cho ông chứng kiến ngày Bắc - Nam liền một dải. Những câu chuyện của ông không chỉ là tư liệu sống về lịch sử, mà còn là ngọn lửa âm thầm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng sống đẹp trong thế hệ trẻ. Tinh thần ấy - bền bỉ, thầm lặng mà kiên cường – chính là một trong những nguồn lực vô giá, kết tinh thành sức mạnh tổng hợp để dân tộc ta tiếp tục thực hiện những sứ mệnh to lớn hơn trong tương lai.
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ky-uc-nguoi-linh-xe-tang-ve-ngay-dat-nuoc-lien-mot-dai-189286.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này