Hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định 178 và Nghị định 67

17:22 | 29/04/2025
Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 178/2024 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025.
Chính sách với người nghỉ hưu trước tuổi: Những điều cần biết Bộ Nội vụ muốn bổ sung nhóm hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi

Theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng vừa ký văn bản số 1814 hướng dẫn thực hiện Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025.

Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và địa phương.

Nghị định số 67/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2024 đã mở rộng phạm vi và đối tượng.

Hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định 178 và Nghị định 67
Nghị định số 67/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2024 đã mở rộng phạm vi và đối tượng. (Ảnh minh hoạ)

Về phạm vi điều chỉnh

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện sắp xếp hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.

Về đối tượng áp dụng

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 15/1/2019 và lực lượng vũ trang còn đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định này không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

Thứ hai, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy;

Thứ ba, cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 177/2024 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm;

Cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 5 năm (60 tháng) đến đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 177/2024;

Cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy còn 5 năm (60 tháng) trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn cụ thể về việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

Đối tượng áp dụng; Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy; về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp; Thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

Về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Về giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án giải thể, kết thúc hoạt động; Về nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi.

H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này