Hòa bình, thống nhất và khát vọng hùng cường

16:45 | 29/04/2025
Không ngẫu nhiên nhưng lại rất tình cờ, 22h đêm ngày 27/4, khi chuyến tàu “thống nhất” chạy từ Ga Hà Nội lướt qua phía đường Lê Duẩn nơi ghi chữ “Công viên Thống nhất”, bất ngờ pháo hoa được bắn lên rực sáng bầu trời Thủ đô chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con gái tôi và bao bạn trẻ xung quanh háo hức ngước nhìn lên bầu trời rực sáng bởi pháo hoa, trong tôi cảm giác thật khó tả. Nhìn sự hân hoan của con cũng như các bạn trẻ, nhìn sự thanh bình của “Thành phố vì hòa bình” mới thấy hai chữ “thống nhất” thiêng liêng đến nhường nào.
Sôi nổi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcNước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là mộtTự hào quá Việt Nam ơi!

…Năm 2000, tôi nhớ lần đầu tiên tới Quảng Trị, trong cái nắng bỏng rát của mùa hè “đỏ lửa” với đặc sản gió Nam Lào, đặt chân lên những địa danh nổi tiếng của một thời đạn bom Khe Sanh, Đường 9, sông Thạch Hãn… chiến tích về chiến tranh dần lùi xa, song sự khốc liệt của nó thì vẫn in đậm trong trái tim người dân nơi đây.

Hòa bình, thống nhất và khát vọng hùng cường
Dòng sông Thạch Hãn êm đềm, nơi hơn 50 năm về trước biết bao chiến sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân để hai miền Nam - Bắc được thống nhất (Ảnh TTXVN)

Lang thang trên mảnh đất nơi chưa qua nắng hạn đã đến mùa bão lũ để những câu thơ Chế Lan Viên cứ mãi nhói lòng: “Ơi gió Lào ơi, xin đừng thổi nữa/Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/Những đồi sim không đủ quả nuôi người/Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười/Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng”; ghé sông Thạch Hãn chỉ một dòng chiều ngang trên 100m mà cả dân tộc ròng rà suốt hơn 20 năm trời mới… qua nổi hai bên. Và để “nối liền” dòng sông ấy, không biết bao nhiêu người con đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Bao người mẹ nhạt nhòa đẫm lệ, khi chồng con không trở về! Những câu thơ cứ đăng đắng cõi lòng: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Chiều đi trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, trong ánh chiều hoang hoải thấy rất nhiều nghĩa trang, nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ, trong đó còn rất nhiều nấm mộ vô danh. Một nhà văn từng đi qua cung đường huyền thoại này đã phải thốt lên “hiếm có đất nước nào mà nghĩa trang nhiều đến vậy”! Vâng chiến tranh là thế! Tất cả vì hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ! Không thế lực nào có thể xâm lăng; không thế lực nào có thể chia cắt!

…Là đất nước trải qua hơn 4.000 năm lịch sử với những cuộc chiến tranh liên miên để bảo vệ giang sơn gấm vóc; độc lập, tự do hơn ai hết người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình và khát khao hai tiếng hòa bình. Chẳng thế, ngay từ thế kỷ XV, khi chiến thắng quân Minh xâm lược, Lê Lợi trong chiều dạo chơi hồ Lục Thủy đã trả lại gươm báu cho thần Kim Quy. Sự tích này càng thêm nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam không muốn có chiến tranh. Song khi có kẻ thù xâm lược, thì dân tộc đó quyết không chịu khuất phục trước ngoại bang; quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; không chịu bị chia cắt và cũng không chịu mất đi một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hồ Lục Thủy (nay là hồ Hoàn Kiếm hay gọi là Hồ Gươm) trở thành trái tim giữa lòng Thủ đô - Thành phố vì hòa bình như càng thêm nhắc nhở mỗi chúng ta khát vọng hòa bình - thống nhất.

Hòa bình, thống nhất và khát vọng hùng cường
Người dân Thủ đô hò reo chứng kiến pháo hóa rực sáng góc trời Hà Nội khi đoàn tàu chạy qua khu vực gần Công viên Thống nhất trong đêm 27/4

…Cuộc kháng chiến chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ cũng vậy. Những năm 50 của thế kỷ XX, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, lịch sử lại đưa dân tộc Việt Nam vào hoàn cảnh éo le, đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Miền Nam được sự hậu thuẫn của Chính phủ Hoa Kỳ đã dựng lên chế độ cộng hòa, sau đó đưa quân trực tiếp vào tham chiến để thực hiện mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước. Với quam điểm “Nước Việt Nam là một/Dân tộc Việt Nam là một/Sông có thể cạn, núi có thể mòn/Song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương, cả dân tộc ròng rã hơn 20 năm trời với sự mất mát hy sinh không gì so sánh được đã làm nên cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa xuân năm 1975, khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cắm trên Dinh Độc lập, “thành lũy” của chế độ cũ cũng là thời điểm đánh dấu mốc thời gian non sông liền một giải.

…Ngày hôm nay, khi ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi, với những tòa nhà cao tầng san sát mọc lên, với sự nhộn nhịp của phố phường, người dân ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…. đọc qua báo chí, xem trên tivi thấy những nơi đang xảy ra chiến tranh, nhìn bom rơi, đạn nổ; cảnh “đất rung, khói tan, gạch nát”; đất nước bị chia chắt, phận người bị chia ly ở một số nơi trên thế giới… chúng ta càng thêm trân quý hai tiếng hòa bình; càng hiểu thêm giá trị hai chữ “thống nhất” mà cha ông ta đã hy sinh biết bao xương máu để dựng nên để chúng ta có cuộc sống yên bình, đủ đầy như hiện tại.

Hòa bình, thống nhất và khát vọng hùng cường
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, cũng như thế hệ mai sau phát huy tinh thần 30/4 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quyết tâm xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; đất nước hùng cường (Ảnh một góc Hà Nội lung linh trong đêm)

Công lao của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh… luôn được ghi lòng, tạc dạ, Tổ quốc mãi mãi ghi công. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân, nằm xuống lòng đất mẹ để Tổ quốc mãi trường tồn.

… Hôm nay, trong khí thế kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) cũng là thời điểm cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang tiếp tục thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, Hà Nội đã hoàn tất đề án bỏ cấp huyện, sáp nhập, hợp nhất xã, phường từ 526 xuống còn 126 xã, phường. Và đặc biệt là phải làm sao để khoa học nhất số xã, phường sau khi hợp nhất hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước. Ngay cả đặt tên các xã, phường mới thế nào vừa đáp ứng với dự địa chí hiện có, vừa đáp ứng được bản sắc văn hóa và yếu tố lịch sử cũng chẳng hề đơn giản. Vì “đụng đến” việc đặt tên là đụng đến “lòng người”, nhưng rất may với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, sự tham mưu của cơ quan chức năng, đến nay việc đặt tên xã, phường mới được nhân dân “thống nhất” rất cao.

Kết luận Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra chiều 28/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết: “Nhân dân rất phấn khởi trực tiếp tham gia xây dựng đề án. Những tên gọi mới xã/phường thật hay, thật đẹp, rất ý nghĩa được nhân dân tán thành, đúng là “ý Đảng, lòng dân”.

… Kỷ niệm 50 năm Giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, ngắm nhìn đoàn tàu Thống Nhất đi qua Công viên Thống Nhất, pháo hoa được bắn lên rực ráng bầu trời Thủ đô, lòng tự nhủ 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích thống nhất giang sơn; 50 năm sau, mỗi chúng ta ở thời hiện tại, cũng như con tôi, con các bạn (thế hệ trẻ) cần phải nối tiếp truyền thống cha ông, nỗ lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo; đổi mới tư duy, thống nhất trong hành động, đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm niệm của Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này