Hà Nội sau 50 năm đất nước trọn niềm vui

06:50 | 30/04/2025
50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, Hà Nội vẫn đang không ngừng nỗ lực để phát triển. Mỗi khi khúc ca thống nhất đất nước được ngân vang, bài học về phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng được nhắc lại. Từ đó, “trái tim của cả nước” lại thêm những nhịp đập mạnh mẽ, giữ trọn tinh thần “Thủ đô vì cả nước”, “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta…”.
Tự hào quá Việt Nam ơi! Lan tỏa xúc cảm tự hào về lịch sử dân tộc

Hậu phương vững chắc cho miền Nam

Là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội có trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Lần giở lại lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội đã đóng một vai trò vô vùng quan trọng khi cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Sau ngày giải phóng (10/10/1954), Hà Nội vừa khôi phục vừa phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... vừa sát cánh, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với đồng bào miền Nam thông qua những cuộc đấu tranh chính trị phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Geneve, tàn sát người yêu nước; Đòi tiến tới hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Hà Nội sau 50 năm đất nước trọn niềm vui
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt. Đặc biệt, ngày 9/8/1964, thanh niên Thủ đô đã phát động phong trào Ba sẵn sàng mở đầu làn sóng thanh niên miền Bắc lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong 10 năm từ 1965 - 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; Đã tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều nhà máy, xí nghiệp cử cán bộ, gửi máy móc, phương tiện kỹ thuật, trang bị đưa vào chiến trường.

Với thế và lực sau gần 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô Hà Nội không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới đòi hỏi Thành phố phải vượt qua, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.

Cùng với sức người, đã có hàng nghìn tấn hàng vì đồng bào miền Nam được làm ra bởi công sức công nhân, lao động Thủ đô. Nêu cao tinh thần yêu nước, Hà Nội nỗ lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... phong trào thi đua ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ...

Không chỉ vậy, suốt những năm tháng chống Mỹ, Hà Nội đã cùng “chia lửa” với chiến trường miền Nam mà điểm nhấn là Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tháng 12/1972. Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ. Song, Hà Nội vẫn hiên ngang và bình tĩnh đánh trả từng đợt bom B-52 của kẻ thù và đã giành thắng lợi vẻ vang.

Đây là nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, vai trò hậu phương của Hà Nội vững vàng từ sản xuất đến chiến đấu chính là nơi bao bọc an toàn cho “bộ não” của cuộc kháng chiến. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn từ Trung ương tại Thủ đô Hà Nội là mấu chốt đem lại thắng lợi cuối cùng 50 năm về trước.

5 thập kỷ từ sự kiện lịch sử ấy, ký ức về ngày giải phóng miền Nam vẫn mãi là những hoài niệm không thể quên với những người chứng kiến... Với bà Đoàn Thị Kim Liên, cán bộ hưu trí trú tại tổ dân phố số 9, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, đó là ký ức đầy tự hào và hoài niệm.

“Không chỉ cả nước, miền Bắc mà cả Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ cũng cuốn theo bước chân của đoàn quân giải phóng. Ngày đó chưa có các phương tiện truyền thông như bây giờ, mọi người được cập nhật tình hình chiến dịch qua radio và báo. Do ban ngày phải đi học nên cứ đến chiều tối tôi lại mong mẹ đi làm về mang theo báo để đọc tin chiến thắng, cũng như tụ tập nhau ngồi nghe loa khu tập thể. Tất cả mọi người đều háo hức, mong đợi, sung sướng, reo hò mỗi khi có thêm một tỉnh, một thành phố, một địa phương được giải phóng”, bà Liên chia sẻ.

Cũng theo bà Kim Liên, không khí náo nức còn diễn ra nhiều ngày sau đó, ban tổ chức lễ mừng chiến thắng cũng về các trường để chọn mỗi lớp các học sinh khá, giỏi, ngoại hình xinh để tập trong đội hình xếp hoa vẫy cờ trên quảng trường Ba Đình vào ngày Quốc khánh trong năm 1975. Đứng ở bờ Hồ nghe tin chiến thắng, bà cảm thấy niềm vui ấy càng trọn vẹn hơn khi cùng với sức người, sức của, Thủ đô đã hoàn thành trọng trách vẻ vang với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội

Không chỉ riêng trong thời kỳ cả nước đoàn kết kháng chiến, 50 năm qua, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn vẹn nguyên tinh thần sẵn sàng vì cả nước. Hà Nội luôn khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế”…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là vùng kinh tế trọng điểm, là đầu tầu dẫn dắt các địa phương khác cùng đi lên phát triển. Năm 2024, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, phát triển toàn diện, GRDP năm 2024 đạt 6,52%, cao hơn năm 2023 (6,27%); GRDP bình quân đầu người gần 6.500 USD; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 513.252 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 477.199 tỷ đồng (chiếm gần 93%), đứng đầu cả nước; Thu hút vốn FDI đạt 2.161,2 triệu USD, tăng 28,23% so với năm 2023, xếp thứ 5 cả nước; Khách du lịch đạt 27,88 triệu lượt, tăng 12,7% so với năm 2023; trong đó khách quốc tế 6,37 triệu lượt…

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng Thủ đô Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77% và 10,77%.

Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với tổng diện tích gần 3.400km2, đứng thứ 2 cả nước về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người (thu nhập của người dân bình quân 150 triệu đồng/người/năm). Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm…

Không chỉ vậy, Hà Nội còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, Thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Hà Nội sau 50 năm đất nước trọn niềm vui
Nội đô Hà Nội ngày càng khang trang.

Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước về quy mô giáo dục và chất lượng đào tạo. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023, kết quả cao nhất trong 10 năm qua. Thủ đô có nhiều thủ khoa, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 184 học sinh đoạt giải.

Hà Nội xây dựng nông thôn mới về đích trước 2 năm so với kế hoạch, 100% các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều, bền vững.

Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km2 với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích tổng diện tích gần 3.400km2, đứng thứ 2 cả nước về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người (thu nhập của người dân bình quân 150 triệu đồng/người/năm). Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm…

Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang, những cây cầu duyên dáng vắt qua sông Hồng, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đoạn đi ngầm từ Cầu Giấy đến Ga Hà Nội. Cùng với việc cơ bản khép kín đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, thành phố và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang quyết liệt triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, phấn đấu hoàn thành đường song hành trong năm 2025. Khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ mở ra không gian, tạo thêm động lực phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội đã tạo ra hành lang pháp lý mới, với những cơ chế đặc thù chưa từng có, là dấu ấn rất quan trọng để Thủ đô Hà Nội bứt phá; 2 quy hoạch Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tới. Hà Nội cũng luôn đi đầu trong ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; thực hiện phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong cuộc làm việc với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn “Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai các chủ trương lớn của Trung ương với những thay đổi mạnh mẽ để đưa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, với những bước phát triển vượt bậc”.

Với thế và lực sau gần 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô Hà Nội không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới đòi hỏi Thành phố phải vượt qua, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.

Hà Nội sau 50 năm đất nước trọn niềm vui
Những cây cầu mang giá trị biểu tượng.

Về các nhiệm vụ cụ thể, thời gian tới, Hà Nội định hướng sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị Thành phố Hà Nội trong tương lai…

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, từ đó góp phần tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị cho triển khai xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng là 8%, và Thành phố phải “chiến đấu rất quyết liệt” để đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó là các nhiệm vụ quan trọng như phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, phát triển văn hoá, thể thao và đặc biệt là chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ mới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, Đảng bộ Thành phố đã nghiêm túc thực hiện tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, với quyết tâm chính trị cao đã tập trung lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng cải cách, củng cố, kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới.

Vừa qua, cùng với cả nước, Hà Nội ngàn năm văn hiến đang chứng kiến một cuộc kiến tạo mang tính lịch sử với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cơ sở. Không đơn thuần là những thay đổi cơ học trên bản đồ hành chính, việc sắp xếp một cách khoa học, kỹ lưỡng đã đem đến hy vọng về không gian và thời cơ phát triển mới.

Với 526 phường, xã, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã, Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều thứ hai cả nước, chỉ sau tỉnh Thanh Hóa. Trên các nguyên tắc và định hướng sắp xếp rõ ràng, khoa học, Hà Nội đã hình thành phương án sắp xếp từ 526 phường, xã, thị trấn để hình thành 126 phường, xã mới; giảm hơn 76% số đơn vị hành chính cấp xã.

Trao đổi vấn đề này với cử tri, lãnh đạo thành phố đều đã nêu rõ tinh thần nêu trên. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Nguyên tắc cốt lõi của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính là hướng tới tương lai phát triển bền vững và vì lợi ích thiết thực của người dân. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống chính quyền cấp xã gần gũi với nhân dân, tạo dựng không gian phát triển tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử, như tình trạng địa giới hành chính phức tạp, “cài răng lược”...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nêu rõ, điểm nhấn trong phương án sáp nhập phường, xã lần này là việc tổ chức các khu vực trục động lực phát triển và các yếu tố đặc thù, đặc biệt nằm trọn trong một đơn vị hành chính cơ sở mới.

Có thể nói, sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở, gắn liền với các yếu tố địa lý, giao thông... không chỉ là một giải pháp quản lý hiệu quả, mà còn tạo ra năng lượng mới cho Thủ đô. Điều này còn cho thấy một Hà Nội năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Qua mỗi thời kỳ, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” đã tỏa sáng và kết tinh thành những giá trị vững bền, tiếp tục đưa Thăng Long - Hà Nội nổi bật lên những phẩm chất đặc biệt: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này