Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu mốc lịch sử sau nửa thế kỷ phát triển

06:46 | 30/04/2025
50 năm sau giải phóng (1975 - 2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã đoàn kết một lòng đưa Thành phố phát triển không ngừng. Là đàu tầu kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP kinh tế nước nhà, nơi “đất lành chim đậu”, đồng thời cũng là nơi “phát kiến” nhiều mô hình quản lý, cách làm hay để nhân rộng ra cả nước. Phát huy những thành tựu 50 năm qua, để Thành phố thực sự là trung tâm kinh tế đất nước cũng như trung tâm tài chính khu vực, vào ngày 1/7 thực hiện chủ trương sắp xếp địa giới hành chính, các địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương sẽ hợp nhất vào TP. Hồ Chí Minh. Đây chính là thời khắc lịch sử lần thứ 2 để Thành phố mang tên Bác vững tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam nhằm hiện thực hóa mục tiêu đất nước hùng cường.
Thành phố Hồ Chí Minh: Rực rỡ cờ hoa chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước TP.HCM: Khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Vai trò dẫn dắt về kinh tế

Sau năm 1975, kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và tư duy phát triển kinh tế “ngăn sông cấm chợ”. Từ năm 1975 đến năm 1985, tăng trưởng GRDP của TP.HCM chỉ đạt bình quân 2,7%/năm. Từ thực tiễn, TP.HCM đã có những đổi mới mang tính tiên phong, "xé rào”, “bung ra”, đã được Trung ương tổng kết để thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986.

Nhờ đó, trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 2010), GRDP Thành phố đã tăng bình quân 10,5%/năm, là một trong số ít đô thị của các nước tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài. Kinh tế Thành phố duy trì tăng trường liên tục qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 7,2% và giai đoạn 2016 - 2020 là 6,4%. Riêng năm 2024, kinh tế Thành phố tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP đạt 7,17%.

Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu mốc lịch sử sau nửa thế kỷ phát triển
TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị trí “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm) tiếp tục là động lực tăng trưởng; số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 52.500 doanh nghiệp; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so với năm 2023. Theo nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP trong năm 2025 đạt trên 10%. Đây không chỉ là “mệnh lệnh”, kỳ vọng của cả nước mà còn là khát vọng lớn lao của Thành phố.

Thành phố là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Các chính sách giảm nghèo và chăm lo an sinh xã hội được quan tâm triển khai, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Thành phố đã từng bước xây dựng và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội toàn diện, đa tầng, rộng khắp; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thu hẹp nhanh sự chênh lệch đời sống giữa trung tâm đô thị và khu vực nông thôn.

Trải qua quá trình phát triển, đến nay TP.HCM trở thành đô thị đặc biệt, giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa - giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có vai trò động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ Chính trị khi ban hành các nghị quyết về TP.HCM đều khẳng định vi trò “trung tâm kinh tế lớn”, “đô thị đặc biệt”, “đầu tàu”, “động lực, dẫn dắt” của Thành phố. Điều này minh chứng cho những bước phát triển nhanh, vững chắc của TP.HCM sau 50 năm giải phóng. TP.HCM vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý là "Thành phố Anh hùng", "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới", được hai lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Để Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng

Gần đây nhất, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM (ban hành ngày 30/12/2022) đã xác định: Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Đến năm 2045 Thành phố sẽ là Thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước, nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Có thể ví von như vậy khi TP.HCM, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập làm một. Việc sáp nhập này sẽ phát huy ưu thế của 3 địa phương có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp; phát huy hiệu quả kết nối hạ tầng giao thông về đường thủy, đường bộ, đường biển, các cảng biển của 3 tỉnh; trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới với nội lực của 3 tỉnh, thành phố cộng lại.

Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu mốc lịch sử sau nửa thế kỷ phát triển
Ảnh minh họa.

TP.HCM sau sắp xếp sẽ có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân; đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24-NQ/TW phát triển vùng Đông Nam bộ.

Vừa qua tại buổi gặp mặt lão thành cách mạng, người có công nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: TP.HCM mở rộng sẽ không chỉ bao gồm TP.HCM hiện nay cùng Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để “tái thiết kế chiến lược phát triển vùng”, nhằm phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn tổng các phần cộng lại.

TP.HCM mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh thành phía Nam - với những thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa - cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TP.HCM mở rộng. Đây là quá trình “cùng phát triển”, “cùng nâng tầm” với mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững và giàu bản sắc.

Sứ mệnh mới cho TP.HCM mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa Thành phố và vùng, trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ "đồng hành" mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. TP.HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và vùng sẽ thăng hoa khi có TP.HCM dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau tiến về phía trước.

TP.HCM mở rộng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia và khu vực. Định hướng phát triển thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, xây dựng một xã hội hài hòa, rộng mở, gắn kết và văn minh, tích hợp, kết tinh những giá trị tiên tiến nhất, tinh hoa nhất của Châu Á và thế giới.

“TP.HCM mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Sự phát triển của Thành phố gắn liền, tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh thành trong vùng; TP.HCM không chỉ "dẫn dắt", mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế - văn hóa liên vùng, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng.

“Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. TP. HCM đã phát triển, nhưng trong một thế giới đầy biến động, trong một cấu trúc kinh tế mới, để xứng đáng và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế thì Thành phố cần có không gian rộng lớn hơn. Việc hợp nhất Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương vào Thành phố sẽ tiếp thêm tiềm năng để TP. HCM thực sự thành “hòn núi cao”.

Năm 1991 Quốc hội thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; năm 1997 tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động và năm 1976 Sài Gòn được đổi tên thành TP.HCM. Về giao thông kết nối, 3 địa phương này tiếp giáp với nhau thông qua trục Xa lộ Hà Nội đấu vào quốc lộ 1, trục quốc lộ 51, quốc lộ 13, sông Sài Gòn, luồng hàng hải Soài Rạp, vùng biển Cần Giờ… Theo thống kê diện tích đất đai năm 2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là 1.982,56km2, quy mô dân số tính đến ngày 31/12/2024 là hơn 1,3 triệu người, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện; tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,70km2, quy mô dân số hơn 2,4 triệu người, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện; TP.HCM có diện tích là 2.095,39km2, quy mô dân số gần 10 triệu người, có 22 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 21 quận huyện.

Về phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động nhất của cả nước. Lợi thế của tỉnh này là có hơn 300 km chiều dài bờ biển, trong đó có nhiều bãi tắm đẹp, thuận lợi để phát triển mạnh mẽ du lịch biển đảo. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, hệ thống cảng biển lớn là đầu mối tiếp cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới thông qua nhóm cảng biển số 5 trên sông Cái Mép - Thị Vải, sông Dinh và vịnh Gành Rái. Năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 11,72% so với năm 2023, là mức tăng trưởng cao nhất 10 năm gần đây.

Tỉnh Bình Dương cũng là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước, GRDP năm 2024 tăng 7,48%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.372 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42,1 tỉ USD. Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, cửa ngõ giao thương với TP.HCM, có nhiều trục giao thông huyết mạch đi qua như quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, Xuyên Á…

Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này