Triển lãm "Con đường thống nhất" kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam Lan tỏa xúc cảm tự hào về lịch sử dân tộc |
Thống nhất đất nước là sứ mệnh lịch sử
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) với việc thực dân Pháp hoàn toàn thất bại ở chiến trường Việt Nam, ngỡ tưởng nước nhà sẽ được độc lập, non sông liền một giải, thì do hoàn cảnh lịch sử đất nước lại bị chia cắt hai miền.
Miền Nam được sự hậu thuẫn của Chính phủ Hoa Kỳ đã vi phạm các điều khoản của Hiệp định Giơ- ne- vơ về tổng tuyển cử tự do, lập nên Chính phủ mới. Âm mưu lâu dài là chia cắt đất nước thành 2 miền. Với quan điểm xuyên suốt được Bác Hồ kính yêu đề ra dựa trên di sản mà cha ông ta suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước để lại: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” - Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo và đề ra quyết tâm cao bằng mọi giá phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo Người: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
![]() |
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
…Được soi sáng bởi tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất non sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được củng cố bằng niềm tin thắng lợi không gì lay chuyển được cuộc chiến đấu bền bỉ và anh dũng của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rực lửa biểu thị ý chí, nghị lực, sức mạnh quật cường của cả một dân tộc. Những năm 1955 - 1974, miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tư cách là hậu phương lớn, bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đã tỏ rõ sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội mới ưu việt được xây dựng trong khói lửa chiến tranh. Miền Bắc thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam, nhất là trong những lúc cách mạng miền Nam bị tổn thất, gặp nhiều thử thách, khó khăn.
Tầm nhìn chiến lược của Bác và bước ngoặt “Điện Biện Phủ trên không”
Trên chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương từ bộ đội chủ lực, đến thanh niên xung phong, lực lượng tình báo nằm vùng, Mặt trận dân tộc giải phóng và đồng bào miền Nam đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Mỹ.
Thất bại liên tiếp trên chiến trường từ những năm 1967-1972, buộc Nhà Trắng phải tính đến “ván bài cuối cùng” dùng pháo đài bay bất khả xâm phạm (B52), loại vũ khí tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ ném bom phá hoại miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội những ngày mùa Đông năm 1972 mà lời người đứng đầu Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ là muốn đưa “Hà Nội về thời kỳ đồ đá” để tạo thuận lợi trên bàn đàm phán Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Nhưng với tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm 1960, Bác Hồ nhận định sớm muộn gì quân đội Mỹ cũng sử dụng B52 đánh phá miền Bắc và Thủ đô, nên ta đã chuẩn bị trận địa rất kỹ. Do đó, tháng 12/1972 khi “rải bom” Hà Nội, không lực Hoa Kỳ đã bị ta bắn hạ. “Trận Điên Biên Phủ trên không” ngay trên bầu trời Thủ đô Hà Nội những ngày mùa Đông năm 1972 đã làm Nhà Trắng choáng váng, thế giới rúng động, nhân dân Mỹ sục sôi.
Từ trận quyết chiến này, kết hợp với chính sách ngoại dao mềm dẻo, cứng rắn của Chính phủ ta, cuối cùng Nhà Trắng cũng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris (1973) chấp nhận ký vào “biên bản” rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi miền Nam, Việt Nam.
Bức điện của Tổng tư lệnh và mùa Xuân Đại thắng
Sau khi phía Mỹ chấp nhận rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán Paris (1973), trên chiến trường phía quân đội của chế độ cũ rơi vào hoảng loạn. Với quyết tâm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong các năm 1974, đầu 1975 quân đội ta đã tổ chức tiến công giải phóng các địa bàn chiến lược. Từ cao Nguyên (Đắclắk, Gia Lai…) đến dải đất miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa…)
Những ngày đầu xuân năm 1975, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên tục nhận được tin thắng trận, từ Tổng hành dinh các đồng chí lãnh đạo nhận thấy đây là thời điểm chín mùi, thời cơ “có một không hai”, ngày 7/4/1975, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975. Bức điện với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” được coi là “kim chỉ nam” để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo chỉ huy chiến dịch duyệt phương án tổng tiến công mùa xuân 1975. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy. Tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội. Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mệnh lệnh ấy thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ có tiến công và xốc tới của quân và dân ta trong thời điểm lịch sử 40 năm trước. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân động viên và tổ chức sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng hướng vào mục đích giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Với mệnh lệnh lịch sử, trong đêm 7/4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc; địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn. Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19/4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngày 22/4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng”. Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30/4/1975.
![]() |
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng. |
5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
50 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Ý nghĩa và những bài học lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rất sâu sắc và cũng rất tự hào quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong cuộc chiến tranh giải phóng. Quyết tâm ấy đã được thể hiện trên khắp các chiến trường, huy động sức mạnh quân sự tối đa với sự chỉ huy tài ba, thao lược quả cảm của những tướng lĩnh nắm vững khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, dạn dày kinh nghiệm chiến trường, cùng toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ dũng cảm chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi. Từ ý nghĩa đó, càng thấy rõ: Những mệnh lệnh nâng sức mạnh của cả dân tộc như thế sẽ tạo những bước ngoặt cơ bản để giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay!
Hà Phong
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/tu-hieu-lenh-than-toc-den-ngay-thong-nhat-189189.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này