Triển lãm "Con đường thống nhất" kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam Lan tỏa xúc cảm tự hào về lịch sử dân tộc |
Chiến công đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc
Để hiểu thêm về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Anh Thi - con trai của Thiếu tướng và hiện là Thường trực Ban Quản lý Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Theo chia sẻ của ông Hoàng Anh Thi, trong nhịp điệu hết sức khẩn trương những ngày đầu năm 1975, Quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng, Tư lệnh Hoàng Cầm và Thiếu tướng Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã triển khai tiến công địch trên hai hướng: Quốc lộ 13 và quốc lộ 20. Chính ủy Hoàng Thế Thiện trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh địch trên hướng Dầu Tiếng - Chơn Thành, giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, tiến công địch ở An Lộc - Chơn Thành, rồi lật cánh, cùng lực lượng toàn Quân đoàn thực hành trận đánh 12 ngày đêm chiến đấu gay go, ác liệt ở Xuân Lộc. Trận đánh Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt. Quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy tài tình của Tư lệnh Hoàng Cầm và Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc - nơi địch tập trung lực lượng tinh nhuệ và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Chiến thắng này đã mở toang cửa cho các đơn vị bạn tiến vào Sài Gòn từ hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Mặt trận 968 Nam Lào tại Quảng Bình, tháng 7/1970 (đồng chí Hoàng Thế Thiện ngồi thứ hai từ phải sang). |
Tiếp đó, Quân đoàn tiến công các tuyến đề kháng, phòng ngự của địch tại Trảng Bom, Hố Nai; đánh chiếm sân bay quân sự, căn cứ quân khu 3, quân đoàn 3 ngụy, giải phóng thị xã Biên Hòa; góp phần tạo ra thế trận mới, có ý nghĩa chiến lược cho các binh đoàn chủ lực và các lực lượng vũ trang của cánh quân hướng Đông giải phóng Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 lãnh đạo, chỉ huy bộ đội thực hiện nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn, xây dựng bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trong thành phố. Đồng chí được Trung ương Cục miền Nam chỉ định tham gia Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đây là một vinh dự lớn và niềm tự hào đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Quân đoàn 4 ngay sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Người chính ủy tài ba trên các chiến trường trọng yếu
Tại Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện hiện đang lưu giữ nhiều kỷ vật và tài liệu quý giá liên quan đến các trận đánh do ông chỉ huy. Trước đó, trong trận Bàu Bàng (ngày 12/11/1965), trên cương vị Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9, đồng chí đã tham mưu với Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy Sư đoàn, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu. Mặc dù được phân công trực Sở chỉ huy cơ bản, đồng chí đã bày tỏ nguyện vọng tham gia Ban Chỉ huy Tiền phương và được sự nhất trí của Tư lệnh và Chính ủy Sư đoàn. Chiến thắng Bàu Bàng là điểm son trong trận đầu ra quân đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là đánh bại Sư đoàn 1 bộ binh "Anh cả đỏ" của Mỹ - đơn vị mà Mỹ luôn khoe khoang là trong lịch sử chưa từng "chiến bại".
Hay trong trận then chốt quyết định trên điểm cao 875 ở phía tây nam quận lỵ Đắk Tô vào ngày 19/11/1967 trong Chiến dịch Đắk Tô (từ ngày 3/11 đến ngày 22/11/1967), dưới sự chỉ huy tài tình của Tư lệnh Nguyễn Hữu An và Chính ủy Hoàng Thế Thiện, Sư đoàn 1, Mặt trận Tân Nguyên đã tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn dù 173 của Mỹ - "con cưng" của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và qua Triều Tiên chưa hề bị thua. Tháng 10/1970, trên cương vị Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Hoàng Thế Thiện được phân công xuống tốc chiến tại Binh trạm 14. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt giành giật giữa ta và địch để giải tỏa trọng điểm Chà Là trên đường 20 Quyết Thắng, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng công binh của Binh trạm 14 lặn lội ngày đêm chui rừng, vượt đèo, vượt suối mở đường giải tỏa trọng điểm này, góp phần thắng lợi trong kế hoạch vận chuyển chi viện chiến trường mùa khô năm 1970-1971…
![]() |
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. |
Ông Hoàng Anh Thi nhấn mạnh: “Đồng chí Hoàng Thế Thiện cũng là vị tướng duy nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã vượt Đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở Đường Hồ Chí Minh trên bộ. Trong thời gian từ tháng 5/1973 đến tháng 2/1975, trên cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí đã cùng với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn ghi nhiều dấu ấn về đổi mới tổ chức lực lượng và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện”.
Theo đó, đồng chí cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết sách quan trọng, là "Tổng Công trình sư" của việc đổi mới căn bản về tổ chức lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức lại các Sư đoàn khu vực thành các sư đoàn binh chủng, tạo nên một bước đột phá và chuyển biến cơ bản, hiệu quả trong công tác chi viện chiến lược. Chính nhờ sự thay đổi về tổ chức lực lượng mà Bộ đội Trường Sơn đã đáp ứng được yêu cầu to lớn của công tác chi viện và đáp ứng yêu cầu phục vụ trực tiếp các Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với hơn 55 năm hoạt động cách mạng, gần 40 năm chiến đấu trên chiến trường cả 3 nước Đông Dương và công tác trong quân đội, đồng chí Hoàng Thế Thiện luôn là người đi đầu trong hoạt động xây dựng các đơn vị chủ lực cấp chiến dịch và chiến lược; đi đầu trong lãnh đạo, chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu và công tác ở những thời điểm quan trọng, có ý nghĩa bước ngoặt trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: "Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đồng chí, Đồng đội tin yêu".
Đồng chí Hoàng Thế Thiện, tên khai sinh là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922, quê thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hải Phòng, từ trần ngày 5/9/1995. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1940, vào Đảng tháng 4/1945, thụ phong quân hàm Thiếu tướng tháng 4/1974. Với công lao to lớn và thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 5 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 2 hạng Ba), Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác; được Vương quốc Campuchia truy tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất, Nhà nước Lào truy tặng Huân chương Anh dũng hạng nhất. |
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giai-phong-mien-nam-qua-hoi-uc-mot-vi-tuong-189184.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này