Người trong cuộc kể lại thời khắc lịch sử sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử "Huyền thoại Trường Sơn" |
Trận chiến không bao giờ quên
Sáng 28/4/1967, cô dân quân Đặng Thị Ty lúc đó đang ở độ tuổi 20 được Huyện đội phân công trực chiến đấu tại đập Đáy hay còn có tên gọi khác là đập Phùng - công trình thủy lợi quốc gia đảm nhận nhiệm vụ phân lũ sông Đáy. Khẩu đội súng máy 12,7mm của Ty được đặt trên khu vực mặt đập Đáy. Bên cạnh trận địa của cô còn có trận địa của các đơn vị bộ đội pháo cao xạ, tên lửa…
Những ngày chớm hè trời nắng nóng, ngay dưới chân đập là khẩu đội súng trường K44 và súng máy 12,7mm với sự có mặt của 9 dân quân trong xã.
15h chiều cùng ngày, nhiều tốp máy bay địch theo hướng Ba Vì nhằm vào đập Đáy cắt bom, bắn rốc két. Ta giữ được đập, nhưng 9 chiến sĩ dân quân dưới chân đập đã anh dũng hy sinh.
![]() |
Bà Đặng Thị Ty. (Ảnh: K.H). |
Sau trận chiến đấu này, vốn biết vẽ chút ít, nên Ty được lãnh đạo xã cử đi học lớp phim đèn chiếu. Khoá học kéo dài 3 tháng, địa điểm học thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Chương trình học phân làm 2 mảng: Viết kịch bản và lời bình; Vẽ. Các học viên chỉ chọn một mảng học theo sở trường, riêng Ty chọn cả hai.
Tác phẩm vẽ và phim đèn chiếu đầu tay của Ty có nội dung ca ngợi về sự hy sinh của 9 chiến sĩ dân quân bảo vệ đập Đáy. Chị vẽ và viết bằng cảm xúc thật về những người đồng đội thân yêu của mình, về những cô gái mới sáng sớm còn trêu đùa nhau, xin rau lang về nấu canh. Vậy mà sau khoảnh khắc khốc liệt của trận chiến, họ đã mãi mãi để lại tuổi xuân ở chính quê hương mình.
Tác phẩm của Ty đoạt giải nhất, được công chiếu cho các đại biểu trong toàn quốc có mặt tại hang Trường Yên, thuộc tỉnh Ninh Bình xem.
Nghiệp vẽ tranh cổ động
Tổng cục trưởng Tổng cục thông tin Nguyễn Minh Vỹ sau khi xem những thước phim đèn chiếu đã khuyến khích chị nên học ngay lớp vẽ tranh cổ động đang rất cần cho chiến đấu và sản xuất của đất nước ta.
Ty Văn hóa Hà Tây lập tức đưa chị vào danh sách tham gia lớp vẽ tranh cổ động. Thời điểm này chị đang là cán bộ thuộc Phòng thông tin của huyện Đan Phượng.
Trường học được đặt tại chùa Ngọc Than, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Tây. Cả khóa học có 50 người, đến từ nhiều huyện của tỉnh Hà Tây. Chương trình học trong 3 năm. Mỗi năm học tập trung 3 tháng. Buổi sáng các thầy dãy vẽ ký họa. Buổi chiều học vẽ tranh cổ động, học sâu về mảng, khối, cách pha màu, cách tính toán tỷ lệ để có thể vẽ được tranh khổ lớn trên những bức tường vừa cao vừa rộng… Nội dung tranh luôn gắn chiến đấu với sản xuất, là mối quan hệ khăng khít giữa hậu phương với tiền tuyến. Đất nước và địa phương cần tuyên truyền ở thời điểm nào thì phải có tranh cổ động phục vụ thời điểm đó.
![]() |
Bà Đặng Thị Ty (bên trái) cùng đồng nghiệp đứng dưới bức tranh cổ động do bà tự tay vẽ. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Tác phẩm tốt nghiệp của chị là bức tranh lúa vàng trên cánh đồng, lấy bối cảnh đồng lúa tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Tranh được các thầy đánh giá cao vì màu sắc tươi vui, hợp lý, có núi làm nền. Ý nghĩa của tranh hướng tới sự no ấm, được mùa, thể hiện hậu phương luôn đảm bảo lương thực phục vụ cho tiền tuyến.
50 năm trôi qua, kể từ mốc chiến thắng Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cô gái Đặng Thị Ty ngày nào giờ bước sang tuổi 78. Nói đến kỷ niệm vẽ tranh một thời ánh mắt của bà lại ngời sáng.
Bức ảnh đen trắng kỷ niệm hiếm hoi về công việc bà giữ được đến giờ có nhiều vết ố, nhưng vẫn xem được. Trong đó là bức tranh cổ động cỡ lớn, vẽ năm 1972, đẹp và rất sinh động, vẽ trực tiếp lên bức tường của một dãy nhà cấp bốn. Tranh vẽ một chiến sĩ đứng phía trước, đầu đội mũ cối, chắc tay súng (thể hiện cho tiền tuyến), còn phía sau là cô gái trên vai nặng trĩu bó lúa (thể hiện hậu phương vững chắc).
Tranh lớn đến mức người vẽ chỉ cao bằng 1/2 chiều cao của chiếc thang tre, còn thang tre chỉ cao bằng 1/4 chiều cao của tranh.
Bà Ty tự hào kể: “Tranh này sau khi vẽ xong thì cô và một chị nữa đứng dựa vào đó để chụp ảnh kỷ niệm. Chỉ mình cô cứ trèo lên thang mà vẽ thôi, chị đi cùng là cán bộ dạy hát được cử ra tăng cường đưa màu vẽ”.
Trong khi tôi không khỏi ngạc nhiên khi bà Ty chinh phục và hoàn thành những bức tranh cỡ lớn, có chiều cao tới 4m chỉ bằng thang thì bà coi đó là chuyện bình thường. Hầu như tất cả các bức tường lớn của huyện, xã, rồi đến tường các nhà kho đều xuất hiện tranh cổ động cỡ lớn hay các dòng khẩu hiệu. Chủ đề tranh có khi được trên giao, nhưng đa số do bà tự sáng tác sao cho phù hợp với từng nhiệm vụ, từng giai đoạn của địa phương và đất nước: “Cả huyện chỉ có mình cô biết vẽ tranh cổ động, mình không làm thì ai làm”, bà nói.
Đó là ngày 2/5/1975, sau chiến thắng 30/4 hai ngày, bà được Tổng cục Thông tin đưa mẫu và chỉ đạo vẽ bức tranh đôi chim bồ câu, biểu tượng cho hoà bình, thống nhất Bắc - Nam. Tranh được vẽ trên bức tường lớn, phải thuê người bắc giàn giáo bằng tre cao hai tầng. Mất tới năm ngày mới xong tác phẩm.
Bức ảnh trên tay tôi đặc tả cảnh họa sĩ Trần Minh Lương đứng ở giàn giáo thứ nhất vẽ phần mỏ chim, bà cùng nam họa sĩ Lưu Yên Thế đang đứng ở tầng cao nhất hoàn thiện phần vẽ thân và đuôi chim.
Bà kể: “Tranh thì thanh bình, không khí giải phóng xung quanh tươi vui, rộn ràng, nhưng lòng dạ cô ngổn ngang, nước mắt chảy lúc nào không hay. Bởi lúc đó cô vẫn bặt tin chồng. Cả hai cưới nhau vào năm 1970. Năm 1971 ông vào Nam chiến đấu, từ đó gia đình không nhận được tin tức của ông. May quá, tháng 6/1975, đồng đội của ông ghé qua nhà và chuyển phần quà ông gửi gia đình, trong đó có hai bộ quần áo trẻ em nam và hai bộ cho trẻ em nữ. Cô buồn cười, vì lấy nhau 5 năm đã có với nhau mụn con nào đâu mà ông lại mua quần áo trẻ nhỏ”.
Rồi cũng đến ngày ông được về sum vầy với gia đình, 4 người con, 2 nam, 2 nữ lần lượt ra đời. Trong câu chuyện với khách, ông trầm tư kể về những nơi đơn vị mình đi qua, về những đồng đội không may ngã xuống khi chỉ vài ngày nữa là đất nước trọn vẹn niềm vui thống nhất.
Giờ ở tuổi 78 bà vẫn một mình một xe máy phăm phăm chở hàng, trí nhớ minh mẫn, tay cầm ipad lướt mạng cập nhật thông tin thời sự. Hàng xóm láng giềng cũng chỉ biết bà là người vui tính, chứ đâu hay người phụ nữ ấy là họa sĩ cuối cùng của huyện Đan Phượng, chuyên về dòng tranh cổ động.
Khắc Hạnh
Khắc Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nhung-nhan-chung-lich-su-qua-tranh-co-dong-189176.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này