Hà Nội sẽ sớm “chốt” số lượng và tên gọi các xã, phường Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp |
Cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo)
Ngày 28/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật quy định cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt, giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội |
Về tổ chức chính quyền địa phương, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, dự thảo Luật cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu), dự thảo Luật quy định HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.
UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp?
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm về việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương hay không?
Có nên quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hay không, trong khi Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về nội dung này đều đang quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã?
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc quy định về số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã bảo đảm phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương và chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy; việc cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về chỉ định các chức danh của HĐND, UBND khi sắp xếp các đơn vị hành chính.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, về phân loại cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã, cần dựa theo theo quy mô của xã để có phân loại cơ cấu tổ chức của cấp xã phù hợp; giao Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh có hướng dẫn linh hoạt, phù hợp với đặc điểm về quy mô dân số, diện tích của địa phương cũng như yêu cầu công tác của địa phương.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga, cấp xã là cấp trực tiếp và sát với dân nên cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và Chính phủ cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần cân nhắc việc lược bỏ quy định “HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra”. Bởi, trường hợp không phải đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, mà vẫn được bố trí chức danh lãnh đạo HĐND sẽ chỉ xảy ra trong năm 2025, khi thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lược bỏ quy định này để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 hiện hành, cũng như định hướng sửa đổi Hiến pháp đang được triển khai.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung chính tại dự thảo Luật được Chính phủ trình.
Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật không nên quy định “UBND cấp xã phân cấp...”, chỉ có thể quy định “UBND cấp xã phân công cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình” và báo cáo kỹ lưỡng hơn về nội dung này trong Tờ trình của Chính phủ.
Về lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần thiết kế như quy định về nội dung này tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành; tổ chức xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua...
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chinh-quyen-dia-phuong-cap-tinh-cap-xa-deu-to-chuc-hoi-dong-nhan-dan-va-uy-ban-nhan-dan-189138.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này