Ký ức về những người mẹ huyền thoại

12:08 | 27/04/2025
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2025) và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Chi hội Nhiếp ảnh – Báo chí (Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội) tổ chức triển lãm ảnh “Ký ức và huyền thoại”.
“Địa chỉ đỏ” Hỏa Lò thu hút du khách dịp 30/4 - 1/5 Tăng cường đảm bảo an ninh hàng không dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5

Triển lãm ảnh “Ký ức và huyền thoại” được trưng bày tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ). Nơi đây giới thiệu 50 bức ảnh chân dung đầy xúc động về các bà mẹ Việt Nam – những biểu tượng sống động của tình mẫu tử và lòng yêu nước thầm lặng nhưng mãnh liệt.

Các tác phẩm do Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng – nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, nguyên Trưởng ban Ảnh báo Quân đội nhân dân thực hiện trong khoảng thời gian ngót nửa thế kỷ, từ năm 1976 đến năm 2020.

Ký ức về những người mẹ huyền thoại
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trong không gian trưng bày của triển lãm.

Mỗi bức ảnh ông chụp là một cuộc đời, một huyền thoại: đó là những người mẹ đã tiễn biệt chồng con ra trận và không bao giờ được đón người thân trở về; là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu; là những người nuôi giấu cán bộ, giữ vững hậu phương;… Dù khác nhau về cuộc đời, về nơi sống, tuổi tác, nhưng tất cả những người mẹ đều có chung một khát vọng là hòa bình cho quê hương, độc lập cho dân tộc và tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau.

Ký ức về những người mẹ huyền thoại
Triển lãm giới thiệu 50 bức chân dung những bà mẹ Việt Nam.

Chia sẻ về những ký ức và cảm xúc khi thực hiện các tác phẩm, NSNA Trần Hồng nói: “Tôi may mắn được ghi lại những hình ảnh về các mẹ, bởi với tôi họ là những người vĩ đại nhất và cũng là những người phải chịu nhiều đau đớn nhất. Có hai nỗi đau đè lên những người mẹ: một là nỗi đau của cá nhân họ khi mất con, mất người thân và hai là nỗi đau của đất nước. Những nỗi đau đó có thể làm rất nhiều người gục ngã, nhưng người mẹ vẫn hiên ngang, vẫn vững vàng, đó là điều khiến các mẹ vĩ đại.

Trong quá trình thực hiện bộ ảnh này, tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam và đã gặp nhiều người nước ngoài. Khi thấy những bức ảnh, họ nói với tôi: đây chính là sức mạnh của Việt Nam, là động lực để Việt Nam chiến thắng. Vì có được sức mạnh như vậy, nên chúng ta thống nhất được non sông là điều chắc chắn, không gì có thể ngăn cản”.

Tới tham quan triển lãm ảnh có đông đảo các tầng lớp nhân dân mọi độ tuổi, nghề nghiệp. Cô Yến (70 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) xúc động nhớ lại những kỷ niệm được gợi lại khi ngắm nhìn triển lãm ảnh: “Tôi vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975 là một ngày thứ Tư; ngày ấy tôi vẫn còn là sinh viên năm 3 của Đại học Y Hà Nội. Buổi ấy nghe tin chiến thắng, người dân đứng rất đông ở ngay phố Lê Thái Tổ này, loa phát thanh vang lên bản tin chiến thắng, tất cả mọi người vỡ òa niềm vui và xúc động. Những cảm xúc ấy vẫn sống mãi trong tôi tới tận hôm nay.

Và bây giờ được ngắm nhìn những bức ảnh của các mẹ, trong không khí đặc biệt của cả nước hướng về Đại lễ Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại càng hân hoan và xúc động hơn bao giờ hết. Tôi mong ước rằng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm có thể mắc lại chiếc loa và phát bản tin chiến thắng năm xưa, để tất cả mọi người có thể được chia sẻ phần nào bầu không khí của khoảnh khắc lịch sử năm ấy”.

Ký ức về những người mẹ huyền thoại
Cô Yến rất xúc động trước những bức chân dung các bà mẹ Việt Nam.

Triển lãm “Ký ức và huyền thoại” không chỉ là cuộc gặp gỡ với những khuôn mặt người mẹ Việt Nam đầy yêu thương và kiên cường, mà còn là hành trình lắng nghe những âm vang bất tận của lịch sử, của lòng yêu nước thấm đẫm trong từng nhịp đập trái tim. Đứng trước những bức chân dung, mỗi người tham quan như được nhắc nhở về giá trị của hòa bình, về những hy sinh lặng thầm đã dệt nên nền độc lập hôm nay.

Rưng rưng trước những người mẹ – những tượng đài bất tử của lòng nhân ái và bản lĩnh Việt Nam – chúng ta càng thêm tự hào, thêm biết ơn, và thêm trách nhiệm gìn giữ những thành quả mà biết bao thế hệ đã đổ máu xương để dựng xây. Giữa những ngày tháng tư lịch sử, giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến, ký ức và huyền thoại ấy sẽ còn mãi ngân vang, thắp sáng niềm tin và khát vọng cho hôm nay và mai sau.

Kim Quyên - Phương Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này