Thắp lửa Tháng Công nhân bằng tinh thần sáng tạo

13:04 | 26/04/2025
Không khí Tháng Công nhân năm nay tại Công ty Omizu - đơn vị chuyên sản xuất máy lọc nước tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang sôi nổi hơn bao giờ hết. Giữa dây chuyền vận hành nghiêm ngặt và yêu cầu khắt khe của ngành hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, vẫn sáng lên tinh thần thi đua, học hỏi và đổi mới không ngừng.
Tổ chức tốt hoạt động Đối thoại tháng 5, cảm ơn người lao động LĐLĐ huyện Đan Phượng: Nhiều hoạt động sẽ được triển khai trong Tháng Công nhân 2025 Chăm sóc sức khoẻ cho đoàn viên, người lao động nhân Tháng Công nhân

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Văn Giáp - Chủ tịch Công đoàn công ty, về những hoạt động chuẩn bị cho Tháng Công nhân 2025 và những tác động tích cực từ phong trào “Công nhân giỏi - Sáng kiến sáng tạo”, để thấy Tháng Công nhân lan toả đến mỗi phân xưởng sản xuất và chạm vào công nhân lao động.

Anh có thể chia sẻ những điểm mới trong hoạt động Tháng Công nhân năm nay tại Omizu?

Mỗi năm đến Tháng Công nhân, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động gắn với thực tiễn lao động sản xuất, nhưng năm nay có một điểm đặc biệt: toàn bộ chương trình được xây dựng xoay quanh giá trị sức khỏe - sáng tạo - gắn kết.

Chúng tôi tổ chức Hội thi “Công nhân giỏi - Bàn tay vàng”, trong đó không chỉ đánh giá kỹ năng nghề mà còn gắn với tiêu chí an toàn lao động, cải tiến thao tác, kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, năm nay hưởng ứng phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì phát động, chúng tôi khuyến khích mỗi phân xưởng đều có ít nhất một đề xuất sáng kiến - từ việc tiết kiệm điện, giảm tiêu hao vật tư đến cải tiến quy trình kiểm tra nước sau lọc.

Thắp lửa Tháng Công nhân bằng tinh thần sáng tạo
Không khí Tháng Công nhân tại Công ty Omizu

Điều đáng mừng là các tổ công đoàn đều chủ động đăng ký, có tổ nộp 2–3 ý tưởng, cho thấy phong trào thực sự chạm được vào nội lực của công nhân.

Theo anh, vì sao phong trào công nhân giỏi và sáng kiến sáng tạo lại có sức lan tỏa mạnh đến vậy trong môi trường sản xuất công nghiệp?

Vì nó không dừng ở khẩu hiệu. Ở một đơn vị sản xuất như chúng tôi, mỗi cải tiến dù nhỏ - như thay đổi vị trí đặt máy, điều chỉnh thao tác siết ốc đúng lực - đều có thể giúp tiết kiệm chi phí, tăng độ chính xác và an toàn cho người vận hành.

Phong trào công nhân giỏi giúp tạo ra động lực rất rõ ràng: người giỏi được vinh danh, được công nhận trước tập thể; người có sáng kiến được doanh nghiệp ghi nhận bằng chế độ thưởng, thậm chí xét nâng bậc lương. Nhưng sâu xa hơn, chính là niềm tự hào khi được góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân. Với nhiều công nhân Omizu, mỗi máy lọc nước hoàn thiện là một “lời cam kết sạch” với cộng đồng.

Trong quá trình phát động phong trào, công đoàn đã làm gì để biến “thi đua” thành “tự giác hành động”?

Chúng tôi không ra chỉ thị, không giao chỉ tiêu cứng. Thay vào đó, công đoàn phối hợp với các tổ trưởng sản xuất lắng nghe từ chính người lao động: họ vướng ở đâu, thấy điều gì chưa hợp lý trong quy trình, hoặc cần hỗ trợ gì để thử nghiệm sáng kiến.

Có những sáng kiến rất đời thường, như lắp thêm hệ thống đèn báo khi bình nước đầy, để công nhân không phải canh thủ công. Những đề xuất đó có thể nhỏ với quản lý, nhưng lại giúp người công nhân cảm thấy công việc an toàn và thông minh hơn - và từ đó, họ tự nguyện tham gia.

Thắp lửa Tháng Công nhân bằng tinh thần sáng tạo
Phong trào công nhân giỏi giúp tạo ra động lực để đoàn viên phấn đấu sáng kiến sáng tạo

Chúng tôi cũng truyền thông phong trào bằng hình thức gần gũi: Ảnh công nhân tiêu biểu đăng fanpage, phỏng vấn mini, tặng thưởng trước toàn xưởng. Nhờ vậy mà phong trào không khô cứng, mà thật sự sống động.

Anh có thể kể một vài tấm gương điển hình trong phong trào năm nay để làm rõ hơn sự lan tỏa?

Chúng tôi có anh Nguyễn Văn Thái và Trần Văn Tài - những kỹ thuật viên đã có nhiều năm liền đạt danh hiệu “Công nhân giỏi cấp huyện”. Năm nay, các anh đề xuất cải tiến bệ đỡ máy để giảm rung chấn, giúp máy lọc hoạt động ổn định hơn, giảm lỗi kỹ thuật trong quá trình kiểm định nước sau lọc.

Hay như một số nữ công nhân ở bộ phận đóng gói, các chị không giỏi kỹ thuật, nhưng lại nghĩ ra cách dán tem niêm phong giúp người tiêu dùng dễ kiểm tra hàng thật - hàng giả. Đó là những sáng kiến giản dị nhưng chứa đầy tâm huyết với sản phẩm.

Những con người như vậy chính là chất xúc tác cho phong trào - họ không chỉ thi đua vì phần thưởng, mà vì một niềm tin: người công nhân cũng là người làm chủ chất lượng.

Theo anh, đâu là giá trị lớn nhất mà công đoàn có thể mang lại cho người lao động thông qua các phong trào như thế này?

Tôi nghĩ, giá trị lớn nhất là sự tự tin và tự hào nghề nghiệp. Khi người lao động được công nhận là “giỏi”, được khích lệ “sáng tạo”, họ không còn thấy mình chỉ là “người làm thuê”, mà là người tạo ra giá trị - là một phần của sự phát triển.

Công đoàn không chỉ là tổ chức chăm lo đời sống nữa, mà là người bạn đồng hành, khơi dậy nội lực, kết nối trí tuệ và cảm hứng trong mỗi người. Và đó chính là điều bền vững nhất, vượt lên cả thưởng - phạt hay bảng xếp hạng: tạo ra một đội ngũ có tay nghề, có lòng tin, có ý chí vươn lên.

Xin cảm ơn anh.

Bảo Thoa (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này