Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử "Huyền thoại Trường Sơn"

13:12 | 24/04/2025
Ngày 24/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử gồm: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn và vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Nhiều thông điệp yêu thương từ Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ 13 Giao lưu trực tuyến về lựa chọn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Tiếp sức cho các em học sinh dân tộc nội trú huyện Tuần Giáo đến trường

Tri ân nữ cựu thanh niên xung phong Thủ đô

Phát biểu khai mạc giao lưu, bà Lê Kim Anh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn" là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chương trình là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên huyền thoại Trường Sơn.

Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử
Các đại biểu tham dự chương trình giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn”.

Nhân dịp này, bà Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ/vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.

"Noi gương những thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và công tác, luôn coi trọng thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác hậu phương quân đội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Từ dấu mốc 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội và Phụ nữ toàn Thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của Hà Nội anh hùng, hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cuộc sống của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội nhấn mạnh.

Những phụ nữ Việt Nam bình dị mà phi thường

Chương trình giao lưu với Trung tá Nguyễn Thị Hòa - nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn; bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại; bà Hoàng Thị Kim Vinh - nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa.

Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng hoa các nhân chứng lịch sử.

Chia sẻ tại chương trình, Trung tá Nguyễn Thị Hòa cho biết: "Hôm nay, tôi rất cảm động, giờ phút này tôi tự hào biết rằng cả nước yêu thương chị em chúng tôi. Tôi nguyên là Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội nữ lái xe Trường Sơn. Ngày đó, cán bộ chính trị rất ít người biết chuyên môn, thời gian đầu tôi chưa biết lái xe, sau này, tôi đã học lái xe từ các chị em.

Trên đường đi chiến trận, nam giới đã vất vả, nữ giới thì vất vả đến như thế nào. Ngày nghỉ, đêm đi, đường nhiều hố bom. Chúng tôi phân công nhau, chị em khoẻ thì đi, yếu thì ở nhà làm lốp, làm nhíp.

Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình, xe chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Trước khi đi còn làm lễ truy điệu chết trước. Đợt đầu đó, chúng tôi đã có 2 chuyến xe trót lọt. Các chị em ngày xưa bé bỏng, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết".

Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử
Chương trình thu hút đông đảo nhân chứng lịch sử tham dự.

Còn bà Bùi Thị Vân là một trong những nữ chiến sĩ đã gặp được ý trung nhân của mình trên chặng đường chiến đấu. Bà Bùi Thị Vân chia sẻ: "Một hôm, tôi chở thương binh thì gặp anh. Khi chở thương binh thì chúng tôi thường cõng và khênh vác các anh lên xe. Tôi cũng cõng anh lên xe rồi đưa về trạm điều dưỡng. Anh để ý tôi nhưng lúc này chúng tôi đang chấp hành "3 khoan". Về trạm, anh viết thư cho tôi nhưng không dám đề tên thật, lại đề tên người khác. Tôi biết là anh, nhưng tôi không trả lời. Hôm sau tôi đến trạm điều dưỡng thì lại gặp anh. Anh hỏi tôi, "em có nhận được lá thư mà anh bạn của anh viết cho em không?". Tôi bật cười, bảo không thấy. Rồi tôi bảo, yêu mà không dám nói, tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi đấy!

Lúc đó, anh mới vội vàng nhận đấy là anh. Rồi chúng tôi quen nhau, nhưng chưa ý định yêu đương gì. Sau 1 năm, chân anh đi được rồi. Anh ở Đông Anh, cứ chiều đến là đạp xe xuống Thường Tín thăm tôi. Có những hôm mưa rét anh cũng đến. Tôi đi làm về thấy anh đứng ở cổng, không dám vào. Sự nhiệt tình và chân thành của anh đã làm tôi động lòng. Về xin phép gia đình, gia đình cũng lăn tăn, rằng lấy cô lái xe đi đường xóc thì sao sinh con đẻ cái được. Nhưng chúng tôi quyết tâm. Năm 1975, hai chúng tôi nên vợ chồng, sinh được 5 cháu, 2 trai 3 gái. Bây giờ, chúng tôi đã có 11 cháu nội ngoại".

Bà Lê Quỳnh Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô nhấn mạnh: “Huyền thoại Trường Sơn” đã đưa người nghe đến với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời càng thêm trân trọng những mất mát, hy sinh, khắc ghi những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, trong đó có những người tượng đài phụ nữ Việt Nam bình dị mà phi thường, can trường, quả cảm trong chiến đấu và dựng xây đất nước trong thời bình, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này