Liên kết doanh nghiệp: Nâng tầm sức mạnh nội tại, đón đầu cơ hội toàn cầu

15:11 | 19/04/2025
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay, liên kết doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kết nối và hiện thực hóa các mô hình kinh doanh mới.
Các doanh nghiệp phải bắt tay nhau Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với nước ngoài Không biết chia sẻ sẽ tự đánh mất mình trong “cuộc chiến” xây dựng thương hiệu

Lấp "khoảng trống" trong liên kết

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, các hình thức liên kết hiện nay ngày càng đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành (liên kết ngang) mà còn hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng (liên kết dọc), đầu tư, góp vốn, mua bán, sáp nhập, thành lập các nhóm công ty hoặc ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm chia sẻ thị trường, thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Sự liên kết với doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng tích cực khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, liên kết giữa doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân cũng có điều kiện thuận lợi phát triển nhờ chủ trương cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.

Liên kết doanh nghiệp: Nâng tầm sức mạnh nội tại, đón đầu cơ hội toàn cầu
Sự liên kết với doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng tích cực khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Tuy nhiên, bà Minh thẳng thắn nhìn nhận: “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ có tính hệ thống và bài bản”. Dù Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia vào cạnh tranh quốc tế, tham gia một số khâu, công đoạn của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, song mạng lưới doanh nghiệp liên kết hiện nay vẫn bị giới hạn chủ yếu trong phạm vi các doanh nghiệp cùng hệ thống sở hữu.

Đồng thời, nền kinh tế vẫn đang thiếu vắng các doanh nghiệp đủ lớn, cả khu vực Nhà nước và tư nhân, có khả năng đóng vai trò hạt nhân kết nối, dẫn dắt chuỗi giá trị và hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm hình thành những ngành kinh tế chiến lược có sức cạnh tranh quốc tế.

Một thực trạng khác cũng được bà Minh nhấn mạnh là đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động đơn lẻ, chưa chủ động trong việc hình thành các quan hệ hợp tác, liên kết. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn hay khi chuỗi cung ứng đứt gãy, các doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn để cùng chia sẻ nguồn lực, tối ưu hóa đầu vào - đầu ra, cùng nhau phát triển.

Từ góc độ thể chế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nêu rõ: Chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp còn bất cập. Hệ thống quy định hiện hành chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa - đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để tham gia vào các chuỗi liên kết trong nước và quốc tế. Việc tiếp cận vốn, mặt bằng, thuế, tín dụng hay các ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp có mức độ tham gia liên kết cao cũng còn thiếu rõ ràng.

Đặc biệt, bà Minh lưu ý: Phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn FDI dẫn dắt. Hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt trong tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được ghi nhận là có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và phần lớn chỉ cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.

Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2018 - 2024 cũng cho thấy hơn 97% doanh nghiệp không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% không gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Một nghiên cứu của VCCI năm 2022 còn chỉ ra rằng hơn một nửa số doanh nghiệp khảo sát (53,3%) không đặt ra mục tiêu cụ thể nào khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu - điều này cho thấy sự thiếu hụt về định hướng phát triển và chiến lược bài bản.

Hợp lực để tăng lực

Để khơi thông điểm nghẽn và thúc đẩy liên kết hiệu quả hơn, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược: Cần quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số hiện đại, an toàn, hiệu quả để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối thông tin, tiếp cận dữ liệu.

Về chính sách, cần thiết kế những ưu đãi vượt trội về thuế, vốn, tín dụng và mặt bằng theo mức độ tham gia liên kết. Đồng thời, cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tăng cường các điều kiện ràng buộc, như tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ sản phẩm - dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Nhà nước cần đầu tư và có cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, sớm hình thành và phát triển các khu thương mại tự do làm cứ điểm chiến lược để các doanh nghiệp phát triển tập trung và phát triển theo chuỗi liên kết ngành, gắn với các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nêu kiến nghị.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược kêu gọi cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thúc đẩy nền tảng số quốc gia để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác. Việc hình thành cụm liên kết ngành cần được đổi mới, phát triển theo chuỗi giá trị có sự tham gia của cả doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và FDI, từ đó xây dựng một hệ sinh thái kinh tế bền vững, đủ sức đương đầu với biến động toàn cầu.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này