Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới Nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể |
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, các thành phần kinh tế khu vực ngoài Nhà nước ngày càng phát triển, dẫn đến quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động ngày càng đa dạng, phức tạp.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Ngọc Hà khẳng định, TƯLĐTT đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với người lao động, người sử dụng lao động mà còn đối với cả nhà nước và xã hội.
"TƯLĐTT có vai trò dung hòa quyền lợi và trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động; điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động; là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp lao động (nếu có); là nguồn quy phạm đặc biệt bổ sung cho các quy định của pháp luật lao động và được coi là "Bộ luật con" tại đơn vị, doanh nghiệp với tính chất bắt buộc thực hiện đối với các bên ký kết và các chủ thể liên quan", bà Hà cho hay.
![]() |
LĐLĐ quận Nam Từ Liêm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về pháp luật, phương pháp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ CĐCS. |
Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, trên thực tế, việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp đạt kết quả chưa cao cả về số lượng và chất lượng. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cơ bản. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động nói chung và pháp luật về TƯLĐTT nói riêng tại một số doanh nghiệp chưa sâu rộng, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn chỉ đạo, triển khai thực hiện thỏa ước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ pháp luật lao động chưa cao, cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và ý nghĩa của TƯLĐTT. CĐCS khu vực ngoài Nhà nước hoạt động còn hạn chế, nhiều CĐCS chưa thực hiện đầy đủ chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa đồng đều giữa các đơn vị, địa phương và chưa thể hiện rõ vai trò của mình. Công tác quản lý Nhà nước về lao động cũng chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực lao động nói chung, TƯLĐTT nói riêng.
Với vai trò và trách nhiệm là cấp trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS thực hiện hoạt động tại cơ sở, thời gian qua, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để nâng cao vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc chỉ đạo, hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Đáng chú ý, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của TƯLĐTT trong doanh nghiệp, để người sử dụng lao động, người lao động thấy được tầm quan trọng của TƯLĐTT, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện TƯLĐTT.
Song song với đó, thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện TƯLĐTT của các doanh nghiệp trên địa bàn để chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, đảm bảo các bản TƯLĐTT trong các doanh nghiệp được thương lượng, ký kết đúng quy định; có chất lượng, thiết thực với người lao động.
Cạnh đó, LĐLĐ quận cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về pháp luật, phương pháp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ CĐCS; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ CĐCS thương lượng, ký kết thực hiện TƯLĐTT.
Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: "LĐLĐ quận cũng thường xuyên chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường tổ chức thương lượng ký kết TƯLĐTT ở doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, để thiết thực chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động ở nơi chưa có tổ chức Công đoàn.
Đặc biệt, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, thỏa ước lao động tập thể cho nhiều doanh nghiệp để giúp cho các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, cùng mô hình sản xuất, kinh doanh có được những nội dung quy định mang tính đặc trưng của ngành, nhóm doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp; tăng cường phối hợp đoàn liên ngành cùng cấp thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật lao động, trong đó có việc ký kết, thực hiện TƯLĐTT của các doanh nghiệp".
Không thể phủ nhận, TƯLĐTT là công cụ pháp lý quan trọng, không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả của việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ CĐCS.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nang-cao-vai-tro-chi-dao-cua-cong-doan-trong-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-188535.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này