Khuyến khích đặt tên cấp phường, xã theo số thứ tự tên quận, huyện cũ và yếu tố địa danh lịch sử, văn hóa Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài thông tin việc sắp xếp phường, xã |
Chiều 18/4, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ điểm cầu chính ở huyện Mê Linh kết hợp trực tuyến.
Phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư thế nào?
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Mạnh (cử tri xã Tự Lập, huyện Mê Linh) đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố cho biết khi bỏ cấp huyện, Thành phố đã đưa ra phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư thế nào? Chế độ chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi ra sao? Thành phố có phương án xử lý các trụ sở dôi dư sau quá trình sắp xếp như thế nào?
Cử tri Đỗ Thị Ngọc Ánh (huyện Mê Linh) đề nghị thông tin về chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã kết thúc hoạt động.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. |
Cử tri Nguyễn Văn Minh (huyện Mê Linh) kiến nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, cơ quan chức năng xem xét giảm mức thuế đối với hộ gia đình chuyển đổi đất vườn, ao sang đất ở.
Cử tri hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn cũng kiến nghị giám sát trật tự an toàn giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn…
Trả lời cử tri, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho biết: Nghị định số 67/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã bỏ quy định địa phương được ban hành chính sách riêng. Do đó, Thành phố không có chính sách khác đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp ngoài quy định của Trung ương.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, về phương án sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp, theo quy định sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện xuống cấp xã, bổ sung một phần biên chế cấp tỉnh xuống cấp xã; giữ nguyên biên chế công chức cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu sắp xếp, bố trí, rà soát trong vòng 5 năm.
Trả lời cử tri Đỗ Thị Ngọc Ánh, ông Mai Xuân Trường cho biết, theo quy định, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã sẽ chấm dứt hoạt động. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu chế độ, chính sách với đối tượng này.
Về quản lý tài sản công, trả lời cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố hiện giao cho cấp huyện thống kê để có phương án xử lý chung toàn thành phố.
Xã, phường mới sẽ không quá lớn, cũng không quá nhỏ
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị để báo cáo Quốc hội, cũng như đề nghị các cơ quan chức năng Thành phố giải quyết theo thẩm quyền.
![]() |
Cử tri nêu kiến nghị. |
Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, kỳ họp Quốc hội sắp tới rất quan trọng, với việc thông qua những quyết sách lâu dài cho hàng trăm năm như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Nhắc lại những lần cải cách, thực hiện tinh gọn bộ máy các bộ, ngành Trung ương, thành quả to lớn từ việc hợp nhất tỉnh Hà Tây với Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, nếu không thay đổi quản trị, sẽ không theo kịp tình hình phát triển. Đây là yêu cầu tự thân, là cuộc cách mạng lớn, chúng ta quyết tâm thực hiện.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng thông tin, Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo rất quyết liệt, xuyên suốt, Quốc hội với tinh thần rất cao, phân cấp, ủy quyền cụ thể. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã triển khai nhiều việc rất quyết liệt, như rà soát từng chức năng, nhiệm vụ và đã giảm được khá nhiều cấp trung gian; áp dụng “làn xanh” với các dự án trọng điểm, lãnh đạo thành phố cũng phải “chạy” mới theo kịp.
UBND thành phố Hà Nội đang cùng lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để “chốt” phương án cụ thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với tinh thần là “không để gián đoạn, trống ngày nào, chỗ nào”. Trong chiều nay, Thành phố tổ chức cuộc họp về phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đây là cuộc họp sẽ cơ bản xác định số lượng và tên gọi các xã, phường. Sau đó, các quận, huyện sẽ triển khai lấy ý kiến nhân dân.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. |
Hà Nội hiện nay có 526 xã, phường, Thành phố thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung ương, trong đó sẽ cố gắng giảm khoảng 70% xã, phường so với hiện nay. Các xã, phường mới sẽ không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ gần dân hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Trong hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, UBND cấp xã quyết định thành lập các tổ lấy ý kiến nhân dân theo địa bàn thôn, tổ dân phố hoặc theo khu vực.
Tổ lấy ý kiến nhân dân có trách nhiệm nhận phiếu do UBND cấp xã cấp; phát phiếu cho từng hộ dân; thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 21/4. Cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi đến cấp huyện; thời gian thực hiện chậm nhất ngày 24/4.
Cấp huyện tổng hợp, thông qua chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn; tổng hợp kết quả báo cáo UBND Thành phố; thời gian thực hiện chậm nhất trong ngày 26/4.
UBND thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mới; hoàn thành trong ngày 29/4.
UBND thành phố Hà Nội sau đó sẽ tổng hợp, hoàn thiện đề án và hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, hoàn thành trước ngày 1/5.
Điểm qua một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đầu năm 2025, Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Chia sẻ với cử tri về các dự án trọng điểm của Thành phố, như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi; phấn đấu khởi công bằng được tuyến đường sắt đô thị số 2 và 5 trong năm nay… Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định quyết tâm của Thành phố trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân…
Phương Ngân
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ha-noi-se-som-chot-so-luong-va-ten-goi-cac-xa-phuong-188515.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này