Bị cắt bỏ thận vì biến chứng sỏi thận lâu ngày không điều trị Một người lớn tử vong do sởi Hà Nội ghi nhận thêm 212 ca mắc sởi |
Không chỉ trẻ nhỏ, dịch sởi đang khiến nhiều người trưởng thành nhập viện trong tình trạng nặng, dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Điển hình như trường hợp bệnh nhân L.T. S (42 tuổi, ở Yên Bái) đang nằm viện sau mổ sỏi mật tại cơ sở y tế thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, phát ban, ho, đau rát họng, viêm phổi và được nghi ngờ mắc sởi có biến chứng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
![]() |
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân biến chứng do sởi. |
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc sởi với các triệu chứng điển hình: Sốt cao, ho, phát ban toàn thân. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực, hỗ trợ thở oxy. Hiện ban sởi đã bay gần hết, sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt và tình trạng sức khỏe dần ổn định.
Tương tự, là bệnh nhân N. Q. H (35 tuổi, ở Hà Nội). Trước khi nhập viện 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho và tiêu chảy nhiều lần. Ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán sốt vi rút và kê thuốc uống tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, các triệu chứng ngày càng nặng thêm, đặc biệt là đau họng dữ dội, không ăn uống được. Sau đó, anh được truyền dịch tại nhà.
Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện ban toàn thân, nghi ngờ sốt xuất huyết nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng, bệnh nhân H được chẩn đoán mắc sởi biến chứng đường ruột với biểu hiện sốt cao 39 - 40°C, ho khan, ban đỏ toàn thân, mắt sung huyết, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần trong ngày. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Nặng nhất phải kể đến bệnh nhân N.X.V (46 tuổi, ở Nghệ An). Nam bệnh nhân khởi phát sốt cao, ho, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Sau ba ngày tự điều trị tại nhà không thuyên giảm, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Tại đây, tình trạng hô hấp xấu đi nhanh chóng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sởi biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, tuy nhiên, độ bão hòa oxy trong máu rất thấp. Trước diễn biến nguy kịch, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và ngay lập tức được chỉ định VV ECMO.
Bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, nổi ban sởi toàn thân, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Vì tình trạng suy hô hấp nặng, mặc dù đã được thở máy tối đa chúng tôi phải sử dụng phương pháp VV-ECMO hỗ trợ. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), là một biến chứng nguy hiểm của sởi. Nếu không được can thiệp kịp thời, ARDS có thể dẫn đến tử vong”.
![]() |
Nốt phát ban ở người mắc sởi. |
Trước đó, tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận ca tử vong sởi người lớn đầu tiên trong năm 2025. Bệnh nhân tử vong mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Sau 2 tuần điều trị bệnh nhân đã không qua khỏi.
Hiện mỗi ngày, Viện Y học Nhiệt đới tiếp nhận khoảng 10 đến 20 bệnh nhân người lớn mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não. Phần lớn đều chưa được tiêm phòng, hoặc trước có tiêm phòng sởi, nhưng không tiêm nhắc lại. Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 đến 50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi, nên khi vào viện thì bệnh đã nặng...
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: Việc tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Người từng mắc sởi hoặc từng tiêm vắc xin sẽ có miễn dịch suốt đời. Những ai không rõ mình đã từng tiêm hay từng mắc bệnh, nên đi tiêm nhắc lại nếu dịch bùng phát.
“Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, chống chỉ định với người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Với những đối tượng này, cần chủ động phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người. Ngoài ra, người lớn cũng nên tiêm nhắc lại, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn để bảo vệ cộng đồng xung quanh…”- bác sĩ Huyền nhấn mạnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi có các biểu hiện như sốt cao, ho, tiêu chảy, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, nên cách ly người bệnh, giữ vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên. Đây là những biện pháp giúp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Theo bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương: Bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn là giai đoạn khởi phát, giai đoạn phát ban và giai đoạn lui bệnh. Theo đó, giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày. Biểu hiện chủ yếu của thời kỳ này là sốt và viêm long. Người bệnh có biểu hiện giống cảm cúm như sốt, ho, chảy mũi, hắt hơi, đỏ mắt, tiêu chảy. Giai đoạn này rất dễ lây lan nhưng khó nhận biết vì chưa xuất hiện ban. Giai đoạn phát ban (hay thời kỳ sởi mọc): Ban sởi xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu từ sau tai, gáy sau đó xuất hiện vùng trán, má. Tiếp theo ban mọc lan dần xuống toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ, thân và tứ chi. Người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi. Giai đoạn lui bệnh (hay thời kỳ ban bay): ban mờ dần, để lại vết thâm trên da trước khi hồi phục hoàn toàn. |
Minh Khuê
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nguy-kich-suy-ho-hap-nang-do-bien-chung-soi-o-nguoi-lon-188420.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này