Chi tiết diện tích và quy mô dân số của 23 tỉnh, thành mới sau sáp nhập Chính quyền cấp tỉnh sau sắp xếp hoạt động chậm nhất ngày 15/9 |
Chủ trì hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Hoàng Công Thủy, Tô Thị Bích Châu.
Bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động kể từ ngày 1/7
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được tổ chức ngay sau khi Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công rất tốt đẹp. Hội nghị Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng, mang tính cách mạng, có ý nghĩa lịch sử: Cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp;
Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, để triển khai kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và chủ động, tích cực triển khai 9 nhiệm vụ được giao; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các luật chuyên ngành của các tổ chức chính trị - xã hội để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho sắp xếp, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, bảo đảm đi vào hoạt động kể từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc hội nghị. |
Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước kể từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ những nội dung trên, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung:
Thứ nhất, về Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, rà soát, đề xuất và xây dựng hồ sơ dự án các Luật này.
Thứ hai, về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đến thời điểm này, dự thảo Báo cáo tổng hợp được Ban Thường trực xây dựng trên cơ sở kết quả tập hợp của 54/63 báo cáo phản ánh tình hình, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; 15 báo cáo của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; các báo cáo của Ủy ban Dân nguyện, giám sát của Quốc hội; báo cáo của các ban chuyên môn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các nguồn thông tin tổng hợp khác.
“Báo cáo tổng hợp được kết cấu làm 3 phần: Phần thứ nhất phản ánh khái quát, tổng quan những sự kiện, vấn đề, nội dung nổi bật trong thời gian qua được cử tri và nhân dân quan tâm; Phần thứ 2 tập trung phản ánh 9 lĩnh vực cụ thể; Phần thứ 3: Các nội dung kiến nghị cụ thể của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trên cở sở các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri và nhân dân. Trân trọng đề nghị các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đảm bảo chất lượng, phản ánh được nhiều nhất các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
![]() |
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Nhấn mạnh nội dung hội nghị rất quan trọng, thời gian hội nghị không nhiều, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi nội dung các Tờ trình do Ban Thường trực chuẩn bị. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực sẽ chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện các văn bản dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nội dung, quy định cần sửa đổi không nhiều
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày dự thảo hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo đó, qua rà soát cho thấy còn có một số đạo luật khác có quy định liên quan tới nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; tuy nhiên, nội dung, quy định bị tác động, ảnh hưởng, cần sửa đổi không nhiều, chủ yếu là điều chỉnh lại để bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
“Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan khác đang tiến hành rà soát, sửa đổi nhiều đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và các luật có liên quan trực tiếp tới bộ máy Nhà nước, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Ban Thường trực sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo các văn bản này để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, xử lý vấn đề về tổ chức bộ máy trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật này để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp”, bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề cụ thể như, trong quá trình tổ chức rà soát còn một số ý kiến đề xuất bổ sung và làm rõ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam (nhất là nguyên tắc “tự nguyện, hiệp thương, dân chủ” và “độc lập tương đối”); các quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng về “trực thuộc” MTTQ Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị. |
Đối với Luật Công đoàn còn một số nội dung cần tiếp tục được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, như quy định về tổ chức Công đoàn ngành Trung ương tại Điều 4, về thẩm quyền trình dự án luật của Tổng Liên đoàn tại Điều 13; về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại Điều 16, Điều 17; về vấn đề liên quan đến tài chính công đoàn... để phù hợp với tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tương tự, Luật Thanh niên vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát, bổ sung như quy định về tổ chức Thanh niên tại Điều 27 về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Điều 28 để phù hợp với tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bà Tô Thị Bích Châu cho biết, trên cơ sở kết quả tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp gồm 3 phần.
Theo đó, phần I tập trung phản ánh khái quát, tổng quan những sự kiện, vấn đề, nội dung nổi bật trong thời gian qua như: Kết quả, ý nghĩa của Kỳ họp lần thứ 8 và Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV; kết quả, ý nghĩa của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; kết quả công tác sáp nhập, sắp xếp bộ máy Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; những nội dung mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; về các động lực phát triển đất nước, về hoạt động đối ngoại nổi bật của Đảng và Nhà nước.
Phần II đề cập vào 9 lĩnh vực cụ thể, gồm: Về phát triển kinh tế; về lĩnh vực xã hội; về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về lĩnh vực nội vụ, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân; về công tác đối ngoại; về lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở xã hội; về việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
“Tại mỗi lĩnh vực, dự thảo báo cáo trình bày khái quát, trọng tâm theo các nhóm nội dung như: Những nội dung cử tri và nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ; những nội dung cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; những đề xuất, kiến nghị cụ thể của cử tri và nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”, bà Tô Thị Bích Châu nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, từ những nội dung nêu trên, phần III của báo cáo tập trung vào những kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước như Đảng và Nhà nước chỉ đạo sát sao việc sắp xếp bộ máy và tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp sau sắp xếp để đảm bảo hoạt động đồng bộ, thông suốt, không bỏ trống nhiệm vụ, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong quá trình sắp xếp…
Thực hiện công bằng, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, nhất là đội ngũ cán bộ phải đến nơi công tác mới sau sắp xếp, đội ngũ cán bộ nghỉ công tác trong quá trình tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị; Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, cụ thể hóa thành pháp luật các chỉ đạo quan điểm kinh tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Tại hội nghị, đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. |
Phương Ngân
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/tao-co-so-phap-ly-cho-hoat-dong-cua-mttq-viet-nam-sau-khi-sap-xep-188394.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này