Phát hiện đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn tại Bình Dương Danh tính 8 đối tượng sản xuất, buôn bán sữa giả vừa bị Công an khởi tố |
Gần 600 nhãn sữa giả ung dung thâm nhập thị trường
Liên quan vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma), Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood), đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Từ tháng 8/2021, Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường nhận thấy người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng sữa dạng bột nội địa nên cùng góp vốn lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, sau đó điều hành mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ các loại sữa bột giả.
Họ mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để sản xuất sữa bột giả. Để dễ dàng tiêu thụ, từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, Hà, Cường góp vốn với nhiều người lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả.
![]() |
Công ty Rance Pharma nơi cho ra đời hàng trăm nhãn sữa giả. (Ảnh: N.H) |
Đến thời điểm bị bắt vào ngày 11/4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm từ 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm - kẽ hở trong quản lý?
Trong chương trình Chào buổi sáng phát sóng trên VTV1 ngày 12/4, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, các nghi phạm sử dụng hai thủ đoạn chính là lợi dụng quy định của Nhà nước trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.
Các doanh nghiệp, cá nhân hiện nay cùng một lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng hóa của cùng loại sản phẩm với nhiều tính năng, tác dụng ưu việt, chất lượng cao, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như trẻ em, người già, người ăn kiêng...
Song thực tế các sản phẩm này cùng chung nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất giống nhau. Chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng sản phẩm.
Dựa vào quy định nào khiến doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, thành phần dinh dưỡng... mà không bị cơ quan quản lý kịp thời phát hiện?
Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, doanh nghiệp đang dựa vào Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tập trung vào hậu kiểm, phân quyền cho doanh nghiệp.
Do được xếp ở danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường kinh doanh của các sản phẩm sữa hiện nay được quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về tự công bố sản phẩm.
Việc tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp chưa có hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là sự đổi mới giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và các thủ tục hành chính, sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Mặt khác, lợi dụng điều này không ít doanh nghiệp đã kiếm lời phi pháp, bất chấp hậu quả gây ra cho xã hội, cho người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác.
Cơ quan quản lý ở đâu?
Sữa là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng ở nhiều độ tuổi nhưng ở vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood và 9 công ty vệ tinh cho thấy sản phẩm này đang bị kiểm soát hết sức lỏng lẻo.
Phân tích về đường đi của sản phẩm sữa giả do Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood sản xuất, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đường đi đó bắt nguồn từ chính các kẽ hở pháp lý. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Nói cách khác, người tiêu dùng đang bị che mắt bởi đủ loại thông số, hàm lượng dinh dưỡng in trên vỏ hộp sữa cộng với niềm tin sữa được bày bán công khai, được quảng cáo rầm rộ. Đúng thật, nếu làm giả chẳng ai dại gì đi quảng cáo trên nhiều nền tảng xã hội để cho cơ quan quản lý biết. Đánh trúng vào tâm lý phản biện này nên sữa giả đã có đất để sống thật, doanh nghiệp đàng hoàng thu tiền bất chính từ mô hôi, nước mắt, sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
Đương nhiên, để gần 600 nhãn sữa giả tung hoành ở các thị trường lớn, thâm nhập về từng thôn, xóm thì cũng phải nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng vào việc mới biết, quản lý sản phẩm sữa thì những cơ quan như y tế, công thương, nông nghiệp, UBND các cấp… đều có trách nhiệm nhưng khi quy trách nhiệm mới rắc rối hơn công thức làm sữa giả.
Theo Nghị định 15/2018, đa số các thực phẩm đều được đơn vị sản xuất tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và sản phẩm đã được công bố là mới về công dụng, thành phần hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối chiếu quy định, UBND cấp tỉnh là đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Đối với sữa chế biến thường, hiện UBND cấp tỉnh giao cho sở Công Thương quản lý, còn sữa bổ sung giao cho sở Y tế.
Về phía Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hiện chỉ tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cũng theo Nghị định 15/2018, công bố này đương nhiên do doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm. Nhưng phân tích như thế không phải để hoà cả làng, Cục An toàn thực phẩm không thể nói mình không có trách nhiệm, bởi Nghị định 15/2018 nói rõ, sữa thuộc thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho chế độ ăn đặc biệt nằm trong nhóm cần kiểm soát chặt hơn, phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
“Như vậy, để sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ người tiêu dùng thì Cục An toàn thực phẩm phải có trách nhiệm quản lý sản phẩm sữa ngay từ trước khi được đưa ra thị trường”, luật sư Tuyến nói.
Khắc Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/vu-573-loai-sua-gia-ung-dung-xam-nhap-thi-truong-ke-ho-phap-ly-nao-giup-sua-gia-song-that-188294.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này