Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch số 17-KH/BTGDVTW của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và Kế hoạch số 690/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Chuỗi chương trình nghệ thuật trải dài từ tháng 3 đến tháng 5/2025, với nhiều loại hình biểu diễn phong phú. Trong lĩnh vực kịch nói, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn vở "Người đi dép cao su" vào ngày 27/4 và 17/5, cùng vở "Đêm trắng" vào các ngày 18, 19 và 24/5. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng góp mặt với vở "Tình mẹ" của tác giả Thùy Linh - Hoàng Đức Anh được dàn dựng bởi đạo diễn Chi Lăng - Đình Phong, biểu diễn vào các ngày 19/4 và 26/4 tại Rạp Hồng Hà.
![]() |
Các chương trình nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào dân tộc. |
Về âm nhạc giao hưởng và dân tộc, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức hòa nhạc đặc biệt vào ngày 21/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản) và sự tham gia của nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Việt Trung. Chương trình trình diễn những tác phẩm tiêu biểu như "Người về đem tới ngày vui" của Trọng Bằng cùng các tác phẩm của Chopin, Schumann và Wagner, kết hợp hào khí lịch sử với tinh thần giao lưu văn hóa đương đại.
Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam sẽ tổ chức hòa nhạc giao hưởng dân tộc "Bài ca chiến thắng" vào tối 25/4 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi và chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Nguyễn Hải Linh. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Tố Nga, Hà Lê, Đào Tố Loan, Trường Bắc, với nội dung tôn vinh tinh thần chiến thắng và khát vọng thống nhất dân tộc.
Đặc biệt, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ tổ chức đêm nhạc "Ký ức Trường Sơn" vào tối 27/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng như Thanh Hoa, Thu Hiền, Quang Thọ, Trung Đức, Quốc Hưng, Phạm Phương Thảo, Hồng Hạnh, Việt Hoàn. Chương trình do NSND Trần Bình đảm nhận vai trò kịch bản và đạo diễn, với sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Quỳnh Trang.
Trong khi đó, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn các vở chèo kinh điển như "Quan Âm Thị Kính", "Dây Tràng Hạt Diệu Kỳ", "Bắc Lệ đền thiêng" từ tháng 3 đến tháng 5/2025 tại Rạp Kim Mã và lưu diễn các địa phương. Nhà hát Múa rối Việt Nam mang đến "Khúc đồng dao" vào ngày 26/4 và 3/5 tại Hà Nội, cùng "Âm vang đồng quê" vào các ngày 28-29/4 và 1/5 tại Nhà hát À Ơi, Phú Quốc.
Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Hành trình biên giới 2025" từ ngày 18-20/4 tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai với nội dung sân khấu hóa tinh thần biên giới, kết hợp cải lương, ca nhạc và giao lưu. Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ trình diễn chương trình đặc biệt "Non sông ngày thống nhất" do NSND Tống Toàn Thắng làm tổng đạo diễn, được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 25/4 trên QPTV và biểu diễn từ ngày 26/4 đến 4/5 tại Rạp Xiếc Trung ương. Chương trình có điểm nhấn là xiếc kết hợp hình tượng người lính, chiến sĩ biên cương và đại thắng mùa xuân.
Đáng chú ý, Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam đã mang đến nhạc kịch "Lửa từ đất" vào ngày 15-16/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội dưới sự chỉ đạo của đạo diễn NSƯT Cao Ngọc Ánh, ca ngợi sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội và những người con đất Thủ đô đi vào kháng chiến.
Ngoài ra, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc tổ chức chương trình "Việt Nam vang khúc khải hoàn" vào ngày 30/4 tại Thành phố Huế và vở nhạc kịch "Đi về phía mặt trời" lưu diễn trong tháng 4-5/2025 tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mang đến chương trình "Welcome to Vietnam" vào ngày 16/4 tại Hà Nội - kết hợp nghệ thuật với quảng bá du lịch và "Mùa xuân thống nhất" vào ngày 29/4 tại Dinh Độc Lập, Thành phố Hồ Chí Minh với sân khấu sử thi kết hợp múa đương đại.
Chuỗi chương trình nghệ thuật này nhằm thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại và giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng thời đánh giá toàn diện thành tựu phát triển đất nước sau 50 năm thống nhất. Không chỉ vậy, các hoạt động còn hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, quảng bá nghệ thuật Việt Nam đến khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các chương trình không chỉ là hoạt động kỷ niệm, mà còn là dịp để văn hóa nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với quá khứ, niềm tin vào hiện tại, và khát vọng vươn tới tương lai của một dân tộc bất khuất, kiêu hùng.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/loat-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-sac-chao-mung-ky-niem-50-nam-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-188275.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này