Sáp nhập, hợp nhất, đặt tên các đơn vị hành chính mới: Tất cả vì mục tiêu chung!

16:21 | 15/04/2025
Tôi nhớ vào ngày 1/8/2008 khi việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII có hiệu lực, vào thời điểm đó, không ít người dân tỉnh Hà Tây (cũ) cũng trăn trở, suy tư. Thế rồi, khoảng 2 năm sau, khi tôi quay trở lại một số huyện để phản ánh, trao đổi với người dân, ai ai cũng tỏ ra rất hài lòng. Đơn giản, sau khi sáp nhập vào Thủ đô, các chính sách tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) được Thành phố đặc biệt quan tâm. Hệ thống điện - đường - trường - trạm thay đổi rõ rệt. Và nay, sau gần 17 năm, hẳn ai cũng nhìn thấy tính hiệu quả của Nghị quyết mang tầm chiến lược này.
Hà Nội: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm không gian phát triển Danh sách tên dự kiến 34 tỉnh, thành và trung tâm hành chính sau sáp nhập, hợp nhất

Dẫn chứng nội dung trên để thấy rằng, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ cụ thể hóa Nghị quyết số 60-NQ/TƯ của Trung ương về đồng ý chủ trương hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, thành với số lượng, tên gọi sau sáp nhập cả nước còn 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Nếu được Quốc hội thông qua, tới đây có thể tên của một số địa phương không còn.

Ví dụ, theo Nghị quyết 60, 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sẽ sáp nhập làm một, tên tỉnh mới là Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Ninh Bình. Hoặc Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ hợp nhất đặt tên tỉnh là Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Việt Trì…

Từ một chủ trương lớn mang tầm chiến lược cả trăm năm, thời gian qua cũng như hiện nay, trên không gian mạng không ít người, thậm chí có cả thế lực thù địch “dựng chuyện”, công kích rằng việc bỏ tên một số tỉnh là chưa hợp lý, là tự xóa yếu tố văn hóa vốn hình thành cả hàng trăm năm…

Thực ra, nói như vậy mục đích không ngoài gì khác là câu view, lôi kéo một bộ phận người dân phản đối. Thế nên, dẫn câu chuyện của việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008 với việc toàn bộ tỉnh Hà Tây… sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội để thấy rằng chủ trương sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành phố không ngoài mục đích nào hơn là nhằm tinh giản bộ máy hành chính, đặc biệt tạo dư địa chí về không gian cho phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của các địa phương.

Điều cần khẳng định, tên một số địa phương (tỉnh, thành) sau hợp nhất, sáp nhập sẽ không còn nhưng “hồn cốt” văn hóa của địa phương đó thì chẳng bao giờ mất. Chỉ khác nhau về tên gọi. Ninh Bình hay Nam Định, Phú Thọ hay Vĩnh Phúc cũng chỉ là tên gọi, còn văn hóa vùng, miền những “tế bào” tạo nên nền văn hóa Việt Nam thì mãi mãi trường tồn. Chèo Thái Bình, Quan họ Kinh Bắc… muôn đời vẫn vậy.

Điều cần nói thêm, 50 năm sau ngày thống nhất, nước ta đã nhiều lần sáp nhập, chia tách địa giới hành chính. Mỗi lần sáp nhập hoặc chia tách gắn với một tên gọi khác nhau. Ví dụ, Hải Hưng năm 1997 được chia thành hai tỉnh mang tên Hải Dương, Hưng Yên. Do đó, tới đây tỉnh Hải Dương sáp nhập, hợp nhất với thành phố Hải Phòng lấy tên Hải Phòng cũng là chuyện bình thường. Lâu dần sẽ thành quen. Điều quan trọng và cần nhấn mạnh một lần nữa, việc sáp nhập, đặt tên các đơn vị hành chính mới là vì đại cục, vì tầm nhìn trăm năm của đất nước chứ không nên vì tính cục bộ “địa phương”, vùng miền như một số thế lực rêu rao trên mạng xã hội mà cố tình xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Đăng Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này