Điều kiện để thi nâng ngạch, xét nâng ngạch đối với công chức Tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi và xét nâng ngạch công chức |
Điều kiện cần cụ thể, rõ ràng, đo lường được
Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia quy định tiêu chuẩn công chức là có quốc tịch và trên 18 tuổi, có bằng cấp, khả năng làm việc và các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, không vi phạm các hành vi cấm và mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đối với yêu cầu về sức khỏe, sẽ do cơ quan tuyển dụng chỉ định cơ sở khám. Đối với yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, các nước thường có các yêu cầu rất cụ thể, rõ ràng như ở Mỹ, Nhật công chức khi tuyển dụng tuyên thệ trung thành với lợi ích tổ quốc và tuân thủ pháp luật khi nhận chức.
![]() |
Công chức phường Đội Cấn, quận Ba Đình giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. |
Thái Lan, Newzealand quy định công chức phải trung lập về chính trị, khi trở thành công chức, người đó không được đồng thời giữ vị trí trong các cơ quan dân cử hay tổ chức chính trị.
Chính vì vậy, khi quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức, Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng, đo lường được (nhất là yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức); cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức công vụ và chuẩn mực giao tiếp, ứng xử để làm căn cứ xử lý kỷ luật công chức vi phạm vấn đề này khi thi hành công vụ.
Trong thi tuyển công chức, các quốc gia không tổ chức thi môn kiến thức chung mà tập trung thi tuyển hoặc phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu ngoại ngữ và công chức trong quá trình làm việc phải cam kết sử dụng được ngoại ngữ trong công việc, nếu không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công việc của công chức.
Đối với môn Kiến thức chung, trong quá trình tập sự, công chức sẽ được người hướng dẫn truyền đạt và tìm hiểu về kiến thức hệ thống chính trị, hành chính và pháp luật. Như vậy, sẽ tiết kiệm chi phí cho cơ quan tuyển dụng và công sức của thí sinh.
Về hình thức thi tuyển, đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cơ quan tự tuyển dụng vì gắn với yêu cầu sử dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.
Các nước Úc, Thái Lan và Nhật Bản sử dụng danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên, dựa trên kết quả tuyển dụng cho một vị trí tuyển dụng khoảng 5 người có số điểm cao nhất. Nếu người đứng vị trí thứ nhất mà không thể nhận việc do vi phạm quy trình tuyển dụng, bằng cấp hay sức khỏe… thì cơ quan quyết định tuyển dụng người đứng ở vị trí thứ 2 hoặc sử dụng danh sách ưu tiên để bổ sung vào các vị trí tương đương trong cơ quan. Như vậy sẽ sử dụng tối đa kết quả tuyển dụng và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tổ chức tuyển dụng công chức.
Theo Bộ Nội vụ, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng danh sách 5 thí sinh có số điểm cao nhất theo thứ tự ưu tiên để dự phòng cho các vị trí khuyết.
Đánh giá công chức dựa trên hiệu suất làm việc
Đáng quan tâm, Bộ Nội vụ khuyến nghị bỏ thi nâng ngạch, thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ. Hiện nay các quốc gia thực hiện việc nâng ngạch đảm bảo thăng tiến cho công chức giữ ngạch, với cơ cấu ngạch sơ cấp và cao cấp theo tỷ lệ nhất định trong từng cơ quan và khi xét nâng ngạch chú trọng tới kết quả làm việc, thành tích và phân cấp cho người đứng đầu cơ quan xét trên cơ sở đánh giá hiệu suất làm việc.
Ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức thi nâng ngạch có một số bất cập như chưa thực sự đánh giá được năng lực của ứng viên, môn kiến thức chung còn nặng về kiến thức học thuộc, chưa phản ánh về hiểu biết và năng lực của công chức.
Có thực trạng công chức đi học chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số để được miễn thi môn ngoại ngữ, tuy nhiên, vị trí việc làm không cần sử dụng ngoại ngữ hay tiếng dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ cạnh tranh và trượt trong kỳ thi nâng ngạch là rất thấp, trong khi đó, tổ chức thi nâng ngạch tốn kém chi phí hoàn thiện các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, bồi dưỡng theo ngạch, thời gian và công sức, dễ nảy sinh tiêu cực...
Đối với viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng, cần chú trọng tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc, Pháp và Newzealand thực hiện thăng hạng viên chức, các quốc gia thực hiện việc xét thăng hạng thể hiện con đường phát triển chức nghiệp của viên chức.
Newzealand chỉ áp dụng thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giảng viên lên giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư, phân cấp cho các cơ sở giáo dục tự thành lập hội đồng xét duyệt trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức và tỷ lệ ngạch viên chức. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có cách làm khác nhau.
Đối với Việt Nam, còn tình trạng các viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các loại chứng chỉ theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng.
Ví dụ các trường phổ thông, không có sự khác biệt về chất lượng giảng dạy của giáo viên hạng III và hạng II; trong lĩnh vực Y tế, bác sĩ hạng III và hạng II cũng không có sự khác biệt về năng lực làm việc. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Ngoại trừ Trung Quốc đào tạo theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh, các quốc gia đã đổi mới công tác đào tạo công chức theo hướng gắn với yêu cầu công việc. Công chức xem mình thiếu kỹ năng gì thì sẽ đăng ký với cơ quan để đào tạo những kiến thức kỹ năng để phục vụ công việc. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo của công chức, cơ quan sẽ cử đi.
Về đánh giá kết quả làm việc, ngoại trừ Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các quốc gia đánh giá công chức dựa trên hiệu suất làm việc. Kết quả đánh giá là căn cứ để thưởng cũng như đưa ra những biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả làm việc của công chức.
Các nước không nặng về đánh giá các tiêu chí khó lượng hóa như chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; nếu công chức vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử giao tiếp sẽ bị xử lý kỷ luật…
Ở Việt Nam hiện nay, công tác đánh giá nhiều khi mang tính hình thức, nể nang, né tránh và không gắn với đãi ngộ lương, thưởng. Vì vậy, theo Bộ Nội vụ, cần xem xét sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại kết quả làm việc theo hướng xây dựng quy trình đánh giá khách quan, minh bạch, thực chất, đảm bảo lượng hóa kết quả thực hiện công việc, tăng quyền hạn cho người sử dụng công chức trong việc đánh giá... |
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/khuyen-nghi-xet-nang-ngach-cho-cong-chuc-188175.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này