Xây dựng “Quà tặng du lịch Hà Nội” trở thành thương hiệu mạnh

22:51 | 12/04/2025
Hàng trăm món quà đậm đà bản sắc văn hóa Thủ đô đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025. Trong ba ngày từ 11-13/4, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) trở thành nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống, đây là cơ hội để du khách trong và ngoài nước khám phá chiều sâu di sản văn hóa Hà Nội.
80 gian hàng đặc sắc sẽ góp mặt tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 Hà Nội: Trình diễn ánh sáng laser kết hợp âm nhạc dân gian tại Lễ hội Quà tặng Du lịch 2025 Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025

Di sản sống trong từng món quà

Cuối tuần, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng tấp nập người dân và du khách tham gia Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025.

80 gian hàng được bố trí dọc theo tuyến phố đi bộ, mỗi gian hàng là một không gian văn hóa đặc sắc với những sản phẩm thủ công tinh xảo đến từ các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước.

Xây dựng “Quà tặng du lịch Hà Nội” trở thành thương hiệu mạnh
Cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng tấp nập người dân và du khách tham gia Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là sự hiện diện của hai làng nghề được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới: Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Các nghệ nhân không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn trực tiếp giới thiệu về đồ gốm, dệt lụa, thu hút đông đảo du khách dừng chân chiêm ngưỡng và trải nghiệm.

Với hơn 40 năm gắn bó với nghề thêu và đã 3 lần tham dự Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, nghệ nhân Đỗ Văn Sơn là một trong những người góp phần bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống của làng Quất Động, Thường Tín. Những tác phẩm tranh thêu của ông không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn chứa đựng câu chuyện về lịch sử, văn hóa và đời sống người Việt.

"Nghề thêu Quất Động có từ hàng trăm năm nay và được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng tôi sử dụng nhiều kỹ thuật thêu đặc biệt như thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến... trong đó thêu độn nổi và kim tuyến là công phu nhất", ông Sơn giải thích.

Trong thời đại công nghệ với những máy thêu hiện đại, sản phẩm thêu tay vẫn giữ được chỗ đứng riêng nhờ sự độc đáo và tâm huyết của người thợ. "Mỗi mũi thêu đều mang dấu ấn của người thợ, không máy móc nào có thể tạo ra sự tinh tế và linh hồn như bàn tay con người", ông Sơn khẳng định.

Cách đó vài bước chân, gian hàng trưng bày sản phẩm chạm khắc gỗ của làng Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cũng thu hút đông đảo du khách. Bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở đồ gỗ với hơn 30 năm gắn bó với nghề đang giới thiệu với một nhóm du khách về kỹ thuật chạm khắc truyền thống.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội. Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất đồ nội thất, đồ thờ cúng với kích thước lớn. Nhưng hiện nay, để phù hợp với nhu cầu của du khách, chúng tôi đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm nhỏ gọn hơn, dễ mang theo làm quà tặng", bà Bình tâm sự.

Đây chính là cách nghề truyền thống thích nghi để tồn tại trong thời đại mới - vẫn giữ được kỹ thuật, hoa văn truyền thống nhưng điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bà Bình cho biết, dù công nghệ có phát triển đến đâu, làng nghề thủ công Thiết Úng vẫn có chỗ đứng riêng vì sản phẩm thể hiện được sự tinh xảo từ bàn tay và tâm hồn người thợ.

"Các sản phẩm chế tác bằng máy móc công nghiệp thường rập khuôn, không tạo được sự độc đáo như sản phẩm thủ công. Mỗi sản phẩm của chúng tôi đều là duy nhất, không có hai món giống hệt nhau", bà Bình khẳng định.

Bảo tồn di sản thông qua phát triển du lịch

Xây dựng “Quà tặng du lịch Hà Nội” trở thành thương hiệu mạnh
Không gian chuyển đổi số tại Lễ hội.

Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết: "Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 với chủ đề "Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới" là một trong những nỗ lực của Thành phố nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua phát triển du lịch".

Theo bà Giang, Hà Nội hiện có 5922 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng (gồm 1 di sản văn hoá thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt), 1793 di sản văn hoá phi vật thể và 1350 làng nghề và làng có nghề truyền thống. Đây là tài nguyên du lịch quý giá, là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa, từ đó góp phần bảo tồn các giá trị di sản.

"Năm 2024, du lịch Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng với tổng số lượng khách đạt 27,88 triệu lượt, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó có 6,37 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,8%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,66 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2023. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của du lịch văn hóa, du lịch di sản", bà Giang chia sẻ.

Giám đốc Sở Du lịch cũng nhấn mạnh: "Mỗi món quà tại lễ hội không chỉ là vật phẩm mà còn là dấu ấn đặc trưng của Hà Nội, là cầu nối văn hóa giữa người dân Thủ đô với bạn bè bốn phương. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu 'Quà tặng du lịch Hà Nội' thành một thương hiệu mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô".

Không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 còn tổ chức nhiều workshop về trải nghiệm làng nghề, tạo cơ hội cho du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, được tự tay thử làm các sản phẩm thủ công dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Anh Lê Minh Tuấn, người dân Hà Nội, cho biết: "Tôi đã tham dự Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội nhiều năm, nhưng năm nay quy mô lớn hơn và có nhiều hoạt động phong phú hơn. Điều tôi ấn tượng nhất là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm quà tặng. Không gian chuyển đổi số du lịch với công nghệ thực tế ảo cũng rất thú vị, giúp du khách có trải nghiệm mới mẻ hơn về du lịch Hà Nội".

Hơn cả một sự kiện văn hóa, lễ hội là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội thông qua phát triển du lịch. Mỗi món quà tại lễ hội không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là cầu nối văn hóa, là câu chuyện về lịch sử, về con người và về những giá trị truyền thống đang được gìn giữ và phát triển trong thế giới hiện đại.

Và có lẽ, đó chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội - nơi di sản được bảo tồn qua từng món quà, qua từng trải nghiệm và qua tình yêu của mỗi người với văn hóa truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này