Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam Vốn tín dụng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân như thế nào? |
Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, từ khi thành lập năm 1993 đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã đã lớn mạnh không ngừng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến cuối năm 2024, hệ thống này bao gồm Co-opBank và 1.180 Quỹ tín dụng nhân dân với tổng tài sản hơn 253.000 tỷ đồng, hoạt động tại 57/63 tỉnh, thành phố, phục vụ gần 2 triệu thành viên là cá nhân, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. |
Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một lần nữa khẳng định mô hình hợp tác xã là nền tảng hoạt động của Co-opBank và Quỹ tín dụng nhân dân.
Theo đó, Co-opBank giữ vai trò ngân hàng của toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, là đầu mối điều tiết vốn và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là làm thế nào để hệ thống này hoạt động an toàn, tuân thủ tôn chỉ, mục đích, đồng thời phát huy hiệu quả thực tiễn.
Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đề nghị đánh giá toàn diện cả về lý luận và thực tiễn mô hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã, qua đó đề xuất giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và gia tăng cạnh tranh.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank cho biết, tại Việt Nam, hệ thống Quỹ tín dụng nhân được thành lập từ năm 1993 theo Quyết định 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Năm 2001, hệ thống đã được tái cấu trúc mô hình hoạt động sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Đến năm 2013 tiếp tục tái cấu trúc mô hình theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Hợp tác xã 2012, chuyển đổi Quỹ tín dụng Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã, theo đó, tổ chức tín dụng theo mô hình hợp tác xã ở Việt Nam gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các Quỹ tín dụng nhân dân.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank chia sẻ tại hội thảo. |
Trong đó, Ngân hàng Hợp tác xã là ngân hàng đầu mối của gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước, chăm sóc hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, phát triển ổn định theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho gần 2 triệu thành viên trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong đó có các đối tượng yếu thế nhằm tương trợ cộng đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, hạn chế nạn tín dụng đen, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, trải qua 30 năm phát triển và 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 57, đến nay về cơ bản, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động ổn định, lành mạnh. Tuy bên cạnh đó vẫn có một số Quỹ tín dụng nhân dân trong giai đoạn vừa qua rời xa tôn chỉ, mục đích dẫn đến những vi phạm, tồn tại trong hoạt động, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn và an toàn của hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng Hợp tác xã và các đơn vị liên quan đã dành nhiều thời gian và nguồn lực tham gia tái cơ cấu, xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém nhằm giữ vững ổn định, an toàn hệ thống.
Hệ lụy mà các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém để lại vẫn còn rất lớn, các khoản cho vay hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Hợp tác xã đến nay vẫn chưa thể thu hồi được hết, có nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Hợp tác xã.
Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Hợp tác xã, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng hoạt động và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với Ngân hàng Hợp tác xã trong giai đoạn từ 2015-2024.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân gấp 1,1 lần so với Ngân hàng Hợp tác xã về số tương đối nhưng gấp 4 lần so với Ngân hàng Hợp tác xã về số tuyệt đối; Vốn điều lệ của các Quỹ tín dụng nhân dân là 7.856 tỷ đồng, tăng 157,51%, trong khi vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã là 3.029 tỷ đồng chỉ tăng 0,97%; tổng tài sản của Quỹ tín dụng nhân dân là hơn 192.000 tỷ đồng trong khi tổng tài sản của Ngân hàng Hợp tác xã mới gần 62.000 tỷ đồng; Mạng lưới hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân tại địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố trong khi mạng lưới của Ngân hàng Hợp tác xã chỉ gồm 32 chi nhánh và 66 phòng giao dịch hoạt động tại địa bàn 32/63 tỉnh thành phố cả nước.
Trong thời gian tới, trọng trách và nhiệm vụ của Ngân hàng Hợp tác xã đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân là rất lớn và nặng nề, trong khi năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã còn rất hạn chế, mức vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã xấp xỉ mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng, thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, chưa bằng 1/15 so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và chỉ bằng 38,5% vốn điều lệ và 1,5% tổng tài sản của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Ông Nguyễn Quốc Cường biết, xuất phát từ thực trạng và yêu cầu đặt ra, có thể thấy việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã là cần thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã, thực hiện tốt sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chia sẻ tại hội thảo. |
Nêu ý kiến tham luận tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, tổ chức tín dụng là hợp tác xã là mắt xích quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia. Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã khẳng định là kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả, trực tiếp khai thác nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư và cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Theo ông Lực, việc huy động và cung ứng vốn thông qua tổ chức tín dụng là hợp tác xã không chỉ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn mà còn thúc đẩy các chương trình nông thôn mới, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đặc biệt, hệ thống này góp phần đáng kể vào việc giảm tín dụng đen, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi người dân còn khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, nghịch lý đang tồn tại là mạng lưới rộng khắp nhưng quy mô tổ chức tín dụng là hợp tác xã lại rất nhỏ bé trong hệ thống ngân hàng, tổng tài sản của hệ thống chỉ chiếm 1,15%, vốn điều lệ chiếm 0,73% toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ tín dụng của các Quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022-2024 tăng trưởng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Chỉ khoảng 10% hợp tác xã tiếp cận được vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, và chưa đến 1% hợp tác xã vay vốn từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh chưa khả thi và năng lực quản lý còn hạn chế. Bản thân các tổ chức tín dụng là hợp tác xã cũng đang gặp không ít khó khăn: Công nghệ lạc hậu, sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, tính liên kết hệ thống lỏng lẻo.
Cùng với đó, một số Quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương hoạt động kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản do tỷ lệ cho vay/huy động cao. Công tác kiểm soát nội bộ yếu, chưa phát hiện kịp thời vi phạm, trong khi năng lực quản trị và đạo đức nghề nghiệp tại một số nơi còn hạn chế.
Tuệ Lâm
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/can-thiet-nang-cao-nang-luc-tai-chinh-cho-ngan-hang-hop-tac-xa-187896.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này