Triển lãm và chiếu phim kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Sôi nổi các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước |
![]() |
Chương trình có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. |
Chương trình có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Tại chương trình, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh, đây không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử đáng nhớ mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đây cũng là cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
![]() |
Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận và tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử. |
"Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng", bà Bạch Liên Hương chia sẻ.
Nhà báo Tạ Bích Loan, người sáng lập chương trình "Chắp cánh", một nhà báo gắn bó nhiều năm với các chương trình sự kiện lịch sử và giáo dục, là người dẫn dắt chính cho buổi tọa đàm. Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ: "Trong những ngày cả nước đang rộn rã chuẩn bị chào mừng 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta cùng nhau có mặt tại Bảo tàng Hà Nội hôm nay để tìm hiểu về trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội của chúng ta đã là nơi xuất phát và hun đúc ý chí, quyết tâm chống Mỹ cứu nước như thế nào, người dân Việt Nam đã hướng về Hà Nội để củng cố niềm tin quyết thắng ra sao".
![]() |
Các nhân chứng chia sẻ tại tọa đàm. |
Chương trình được chia thành ba phần chính. Phần đầu tiên "Ta đi trên đường Hà Nội" mở đầu với video toàn cảnh lịch sử giai đoạn 1954 - 1964, kết thúc bằng Nghị quyết 11 năm 1965. Trong phần này, bà Đặng Thị Ty - Nữ dân quân Trung đội pháo 12 ly 7 tham gia trận chiến bảo vệ đập Phùng, bà Nguyễn Thị Sang - nguyên Trưởng tàu phụ trách tổ tàu "Ba đảm đang" ngành Đường sắt Việt Nam, và ông Nguyễn Tài Triệu - Cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc khí thế của các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang" và tình cảm của người dân cả nước dành cho Thủ đô Hà Nội.
Xúc động nhất là khoảnh khắc khi bài thơ "Ước mơ" của nữ anh hùng Lê Thị Riêng được ngâm vang trong hội trường: "Tôi ước mơ một ngày nào đâu đó... Hà Nội ơi! Cho tôi đến Thủ đô, Gặp lại hai con, tôi ôm cả vào lòng, Tôi siết mãi, không bao giờ buông ra nữa..." - lời thơ như một lời nhắn gửi tình yêu thương vô bờ bến giữa con người với nhau, giữa người dân với Thủ đô Hà Nội trong những năm tháng gian khó.
Phần thứ hai "Người Hà Nội mang trong tim" tập trung vào bối cảnh lịch sử năm 1972 và chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông Nguyễn Xuân Thuần và ông Lê Xuân Tường, những người lính nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 đã chia sẻ về những hình ảnh Hà Nội trong lòng người lính nơi tiền tuyến. Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người tham gia hai cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954 và Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã kể lại những khoảnh khắc đầy xúc động về tinh thần quyết tử bảo vệ Thủ đô.
Đặc biệt, đạo diễn Phạm Việt Tùng, người đã ghi lại được khoảnh khắc máy bay B52 rơi xuống tại hồ Hữu Tiệp với cột Truyền hình 58 Quán Sứ làm tiền cảnh, đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình ghi lại những khoảnh khắc lịch sử này.
Phần ba của chương trình "Giải phóng miền Nam" là phần cao trào khi các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng vào Dinh Độc Lập xuất hiện trên sân khấu như ông Phạm Duy Đô, nguyên Đại đội trưởng của Trung đoàn đặc công 116; ông Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên, Chỉ huy xe tăng 390; ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính dinh Độc Lập và ông Ngô Sĩ Nguyên, người lái xe tăng 390 thuộc Trung đoàn tăng 203.
Chương trình giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng" là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về những hy sinh, đóng góp của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua những câu chuyện, hình ảnh và hiện vật lịch sử, chương trình đã cho thấy Hà Nội không chỉ là một địa danh mà còn là biểu tượng của ý chí, niềm tin và sức mạnh dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nguoi-trong-cuoc-ke-lai-thoi-khac-lich-su-sau-nua-the-ky-thong-nhat-dat-nuoc-187888.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này