Giữ vững nguyên tắc: Lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ
Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, tiền thưởng tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Hiện tại, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 365 Công đoàn cơ sở với trên 150 nghìn lao động, trong đó có gần 150 nghìn đoàn viên.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm thương lượng tập thể về tiền lương, tiền thưởng. (Ảnh: B.Duy). |
Theo ông Thắng, quá trình hướng dẫn các Công đoàn cơ sở đàm phán, thương lượng ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn quán triệt quan điểm chung là: “Lợi ích phải hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ, mới hợp tác bền vững với nhau được”.
Thực tế hiện nay, năng suất lao động là bài toán được các doanh nghiệp đặt ra. Vậy, làm thế nào để mức tăng năng suất lao động cao hơn mức tăng chi phí, để khi “chiếc bánh lợi nhuận” của doanh nghiệp to lên, người lao động cũng được hưởng nhiều hơn. Ở góc độ ngược lại, khi doanh nghiệp tăng lương cho người lao động, sẽ góp phần tạo động lực để người lao động hăng say lao động, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc tăng lương cũng góp phần giữ chân người lao động, để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp…
Để giải quyết vấn đề nêu trên, thời gian qua, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân lao động nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm… giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển bền vững. Cùng đó, Công đoàn cũng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, công nhân lao động nắm rõ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp, qua đó nghiêm túc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Công đoàn cơ sở cần nắm chắc tình hình tư tưởng, việc làm, thu nhập, đời sống đoàn viên, công nhân lao động, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Đồng thời định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, công nhân lao động, không để xảy ra tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
![]() |
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội và Công đoàn dự Bữa cơm Công đoàn, trò chuyện, động viên người lao động Công ty TNHH TOTO Việt Nam. |
Thông qua các hoạt động thiết thực trên, thời gian qua, các Công đoàn cơ sở đều khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, được người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao, từ đó tạo tiền đề thuận lợi trong quá trình đàm phán, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Cũng nhờ đó, số lượng và chất lượng các bản TƯLĐTT được thương lượng, ký kết thành công ngày được nâng cao: Hiện nay, số lượng Công đoàn cơ sở ký kết được TƯLĐTT đạt gần 70% (trong đó TƯLĐTT có nội dung thương lượng về tiền lương chiếm gần 60%); qua đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nhất là nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền. lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động - nhiệm vụ cốt lõi, căn cốt của tổ chức Công đoàn.
Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các Công đoàn cơ sở
Để nâng cao số lượng, chất lượng các bản TƯLĐTT về tiền lương, tiền thưởng, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: Công đoàn luôn quan tâm tổ chức tập huấn, cung cấp những quy định của pháp luật về công tác đối thoại, thương lượng tập thể, về thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, về kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể… tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về công tác TƯLĐTT giữa các Công đoàn cơ sở.
Trong đó chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ cho Công đoàn cơ sở thương lượng về tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp, điều kiện lao động... Đặc biệt, cần lưu ý lựa chọn thời điểm để đưa ra đối thoại, thương lượng; quá trình thương lượng, những gì có lợi hơn so với pháp luật quy định mới đưa vào ký kết TƯLĐTT đảm bảo ngắn ngọn, chất lượng.
![]() |
Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với Công đoàn Công ty Fujikin tổ chức truyền thông về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế tới cán bộ, đoàn viên công đoàn Công ty Fujikin. |
Cùng với việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng tham khảo, cung cấp cho Công đoàn cơ sở về: Tổng hợp mức điều chỉnh tăng lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp... của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp để cán bộ Công đoàn cơ sở tham khảo trước khi đưa ra đề xuất, kiến nghị tại doanh nghiệp mình cho phù hợp.
Từ thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đề xuất với LĐLĐ Thành phố: - Tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở có đông đoàn viên, công nhân lao động; quan tâm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn giữa các Công đoàn cơ sở về công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT. - Thành lập nhóm chuyên gia, giảng viên về TƯLĐTT của LĐLĐ Thành phố để hỗ trợ đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Song song với đó, cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động |
Bảo Duy
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/kinh-nghiem-de-co-ban-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-chat-luong-ve-tien-luong-tien-thuong-187786.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này