Dự kiến làm đường sắt 3,5 tỷ USD kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

13:10 | 05/04/2025
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Đồng Nai đang khẩn trương xây dựng phương án làm đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Sân bay Tân Sơn Nhất khai thác gần 26.500 chuyến bay dịp Tết Nguyên đán 2025 Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm chậm triển khai Dự án thành phần 4 sân bay Long Thành Đưa Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào khai thác trước thời điểm khánh thành 30/4/2025

Theo đó, tại Công văn số 2870/VPCP-CN ngày 4/4/2025, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu có ý kiến đối với báo cáo, kiến nghị của Bộ Xây dựng tại Văn bản 583/BXD-KHTC ngày 18/3/2025, báo cáo Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM, HĐND tỉnh Đồng Nai theo quy định của Luật Đầu tư công, gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 20/4/2025.

Làm đường sắt 3,5 tỷ USD kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành
Sơ đồ hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Ảnh: TTXVN.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan, TP.HCM và Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp đề xuất cụ thể phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25/4/2025 bảo đảm nguyên tắc hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trước đó Bộ Xây dựng có Văn bản 583/BXD-KHTC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; giao UBND TP.HCM làm việc thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản dự án để báo cáo Thú tướng Chính phủ quyết định theo Luật Đầu tư công.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.HCM nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào trong quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM và đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung tuyến này vào danh mục kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay cơ quan này đang chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành với chiều dài khoảng 42km (bao gồm 11,8km đi qua địa phận TP.HCM còn lại đi qua Đồng Nai), thiết kế đường đôi, khổ đường 1435mm, tốc độ thiết kế 120km/h, có 20 ga, vận chuyển hành khách nội ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến CHKQT Long Thành, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD. Báo cáo nghiên cứu tiền khả dự án này đã được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các địa phương và đang hoàn thiện để dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 10/2025.

Hiện nay Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đang lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo văn bản để trình UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.

Theo Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định phạm điều chỉnh áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP.HCM; không quy định áp dụng cho các địa phương khác. Do đó, để dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt (áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) cần trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chính Nghị quyết số 188/2025/QH15. Mặt khác, để triển khai dự án phù hợp với pháp luật về quy hoạch, cần thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phệ duyệt điều chỉnh các quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo mà Sở Giao thông Công chánh trình UBND TP.HCM, hiện có 3 tuyến đường sắt phục vụ kết nối CHKQT Long Thành và Tân Sơn Nhất gồm tuyến đường sắt đô thị số 1, số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Đối với các dự án đường sắt đô thị của TP.HCM, hiện Thành phố đang tập trung nghiên cứu ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến số 6 và số 2 theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025. Trong đó, tuyến số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) hiện Thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và chuyển qua hình thức đầu tư công, phấn đấu khởi công tháng 12/2025; đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Củ Chi đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đến năm 2035 sẽ hoàn thành.

Đối với tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ (tuyến số 12) có điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác; điểm cuối tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Toàn tuyến dài 48,7km, vào ngày 17/3/2025, Tập đoàn VinGroup có Văn bản số 134/2025/CV-VINGROUP gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ. Hiện UBND TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất này nhằm đẩy nhanh tiến trình đầu tư.

Theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chính quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060: Tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối với CHKQT Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành tại nút giao Phú Hữu; sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối tới CHKQT Long Thành, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối CHKQT Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm, sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối với CHKQT Long Thành, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này