Giữ gìn nét đẹp lễ hội chùa Tây Phương

18:15 | 04/04/2025
Những năm qua, lễ hội chùa Tây Phương diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử Thủ đô.
TP.HCM: Đảm bảo an ninh, an toàn việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam Lễ hội chùa Tây Phương sẽ được tổ chức đầu tháng 4/2025 Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại lễ hội chùa Hương 2025

Di sản sống giữa lòng xứ Đoài

Chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Câu Lâu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Lịch sử hình thành chùa Tây Phương diễn ra cùng với quá trình phát triển Phật giáo của dân tộc. Chùa được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống như gỗ lim, đá ong và gạch nung, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, bề thế, nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên.

Đặc biệt, hệ thống mái chùa được thiết kế theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, với các đầu đao cong vút mang đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam. Các cột và kèo chùa được chạm khắc tinh tế, thể hiện hoa văn rồng, phượng và các họa tiết truyền thống, tạo nên một công trình mang tính nghệ thuật cao.

Giữ gìn nét đẹp lễ hội chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương là ngôi chùa mang lối kiến trúc độc đáo.

Chùa Tây Phương nổi tiếng với hệ thống tượng Phật bằng gỗ sơn son thiếp vàng, được coi là kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt, 18 bức tượng La Hán được tạc từ gỗ mít vào thế kỷ XVIII, với những đường nét chạm khắc sống động, thể hiện rõ thần thái và tâm trạng của từng vị La Hán. Những bức tượng này không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh tư tưởng Phật giáo sâu sắc.

Với giá trị đặc biệt, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Năm 2015, bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ngày 19/2/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 324 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống chùa Tây Phương.

Vừa qua, lễ công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây Phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận Bảo vật Quốc gia và Khai hội chùa Tây Phương năm 2025 được huyện Thạch Thất tổ chức trong thời gian 3 ngày (từ ngày mùng 5 đến hết ngày 7 tháng 3 âm lịch).

Giữ gìn nét đẹp lễ hội chùa Tây Phương
Lễ hội chùa Tây Phương năm 2025 thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Chính hội chùa Tây Phương là ngày 6/3 Âm lịch gồm phần lễ và phần hội, với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Phần hội có các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, cây đu, biểu diễn múa rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc. Cùng với đó tổ chức khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, Thạch Thất là vùng đất cổ, là vùng quê có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài. Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có trên 200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Lễ hội chùa Tây Phương được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất và du khách thập phương; vừa mang những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục; vừa mang những giá trị cổ truyền, kết nối đông đảo nhân dân trong vùng, tạo nên sức sống mạnh mẽ của cộng đồng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của bản sắc văn hóa huyện Thạch Thất.

Góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa

Có thể thấy, từ lâu, lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương. Việc tổ chức Lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

Người dân Thạch Thất, du khách thập phương, các tăng ni, phật tử về tham dự lễ hội cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc... Trong không khí tưng bừng của lễ hội chùa Tây phương, các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư được nhân rộng và lan tỏa, tạo không khí đoàn kết, vui tươi nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tham gia lễ hội, du khách thập phương được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh trang trọng, tôn nghiêm.

Giữ gìn nét đẹp lễ hội chùa Tây Phương
Việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

Qua đó, khơi dậy, nêu cao lòng tự hào dân tộc, tiếp tục giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết tôn trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương, phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước, tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương và quê hương, con người Thạch Thất; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương nói riêng và các di tích trên địa bàn huyện Thạch Thất nói chung. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch huyện Thạch Thất là điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Bà Phạm Thị Hương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những du khách tham quan chùa Tây Phương chia sẻ, hằng năm, cứ đến đầu năm tháng 3 Âm lịch, bà cùng gia đình đều sắp xếp công việc, về chùa Tây Phương tham gia hội. Đặc biệt, năm nay, sự kiện "Hội chùa Tây Phương" được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia một lần nữa khẳng định vị thế đặc biệt của di tích giữa vùng đất Thạch Thất với bề dày lịch sử cùng hơn 200 di tích.

“Tôi vừa được tham quan, vãn cảnh chùa, lại vừa được xem các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Năm nay, công tác tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp. Khu vực bãi đỗ xe được quy hoạch hợp lý; công tác bán vé tham quan di tích được thực hiện nhanh, gọn, chính xác. Các hộ kinh doanh tuân thủ bán hàng đúng địa điểm, bảo đảm vệ sinh; không xảy ra hiện tượng chèo kéo khách, mất trộm, cướp giật…”, bà Hương đánh giá.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này