Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm Halal

16:45 | 04/04/2025
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm Halal (tuân theo các tiêu chuẩn của người Hồi giáo), Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường sản phẩm Halal toàn cầu. Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe tại các thị trường Halal là vấn đề quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường này.
Nhiều thách thức cho ngành xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu trong năm 2025 Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng dưới 1 triệu đồng nhập qua thương mại điện tử

Thị trường giàu tiềm năng

Ngày 4/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025, với chủ đề “Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh.

“Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu”, Thứ trưởng dự báo.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm Halal
Quang cảnh hội nghị.

Giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển các sản phẩm Halal tại Việt Nam và thế giới, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD, nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn. Theo đó, Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.

Cũng theo ông Bin Osman, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

“Số liệu năm 2024 cho thấy, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều… tăng trưởng ngoạn mục, và để đưa các sản phẩm này tiến vào thị trường Hồi giáo thì cách tiếp cận phù hợp nhất chính là qua các tiêu chuẩn Halal”, ông Bin Osman nhấn mạnh.

Khẳng định thị trường Halal nhận được sự quan tâm lớn của các hiệp hội, ngành hàng, ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong năm 2024, ngành điều đã xuất khẩu được 700 nghìn tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD, trong đó chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về quản lý, kiểm soát chất lượng là rất quan trọng.

Đề cao chất lượng sản phẩm

Theo ông Hiệp, trong những năm qua, Hiệp hội đã chú trọng tới thị trường Halal khi tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu đều có chứng nhận Halal, cũng như các chứng nhận khác về chất lượng. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ, đi kèm với yêu cầu có chứng nhận Halal nhiều nhất, chiếm 30% toàn bộ sản lượng xuất khẩu, tiếp đến là các thị trường châu Âu, Australia, các quốc gia Trung Đông…

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm Halal
Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam.

Chia sẻ những thách thức, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi xâm nhập vào thị trường Halal, ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định, nhu cầu sản phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo là rất lớn, tuy nhiên, để đạt được chứng thực Halal tiêu chuẩn cho xuất khẩu lại là một vấn đề khác.

Theo ông Cường, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia, tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ này để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại, khi dân số Hồi giáo ở quốc gia này chiếm tới 60%, nên đa số sản phẩm được ưu tiên lựa chọn phải có chứng nhận Halal.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận, nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Khẳng định đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định khó lường, việc thâm nhập và khẳng định thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam là một yêu cầu quan trọng nhằm đa dạng hóa thị trường.

Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu xâu chuỗi các mạng lưới và bắt tay xây dựng đề án thúc đẩy sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường Halal, với các mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Ngoài ra, cần khẩn trương, kịp thời gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức chứng nhận Halal, các thương vụ để đưa mặt hàng của Việt Nam đến các điểm đến truyền thống cũng như thị trường mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm Halal.

Khánh An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này