Phần lớn trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi chưa được tiêm vắc xin

06:09 | 03/04/2025
Hiện nay, tình hình bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng cao. Đáng lo ngại, đa phần trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, dù đã đến độ tuổi tiêm chủng. Phóng viên (PV) Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Hà Nội, để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.
Hà Nội: Quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi 4 biện pháp trọng tâm phòng, chống dịch bệnh sởi hiệu quả Hà Nội ghi nhận thêm 189 trường hợp mắc sởi

PV: Xin bác sĩ cho biết tình tình hình khám, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Hà Nội thời gian qua? Và những biến chứng mà trẻ mắc sởi thường gặp phải là gì, thưa bác sĩ?

Phần lớn trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi chưa được tiêm vắc xin
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Phòng Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức: Từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận 300 bệnh nhân mắc sởi điều trị nội trú và khoảng hơn 400 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thời gian gần đây, đặc biệt là từ Tết Nguyên đán số bệnh nhân được chẩn đoán sởi điều trị ngoại trú và nội trú có xu hướng tăng so với trước Tết, cũng như tăng so với cùng kỳ các năm trước.

Trung bình một ngày, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị nội trú cho 45 - 50 bệnh nhân mắc sởi. Trong số những bệnh nhân mắc sởi nhập viện điều trị nội trú, nhiều bệnh nhân bị biến chứng của sởi như: Viêm phổi, suy hô hấp… có những bệnh nhân các bác sĩ phải hỗ trợ thở máy. Trong những bệnh nhân nhập viện điều trị, tầm khoảng 30% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.

PV: Trước tình hình số ca mắc sởi tăng cao và tình hình dịch bệnh sởi còn diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã có dự phòng để tránh quá tải, cũng như tránh lây nhiễm chéo trong viện như nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức: Bệnh viện Nhi Hà Nội là một trong những đơn vị được phân tuyến tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc sởi ở khu vực Hà Nội, cũng như các khu vực lân cận. Bởi vậy Bệnh viện đã chủ động các kế hoạch, dự phòng khi số lượng bệnh nhân có xu hướng tăng lên. Hiện, Bệnh viện đã thành lập các đơn vị riêng để điều trị nhóm bệnh nhân sởi; đồng thời, cũng có những phương án dự phòng và có thể mở rộng thêm nếu như nhu cầu bệnh nhân tăng lên.

Trên thực tế, hằng ngày Bệnh viện Nhi Hà Nội vẫn cập nhập thông tin bệnh nhân sởi từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong đó có số bệnh nhân được chẩn đoán sởi, số bệnh nhân mắc sởi, số bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện xung quanh… để Bệnh viện có kế hoạch dự phòng tốt nhất.

Phần lớn trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi chưa được tiêm vắc xin
Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhi mắc sởi.

Trước tình hình dịch, bệnh sởi diễn biến phức tạp, công tác kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong Bệnh viện Nhi Hà Nội được tăng cường. Theo đó, các bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế trong Bệnh viện luôn đảm bảo việc điều trị và chăm sóc y tế tốt nhất cho bệnh nhân; hạn chế việc người nhà thăm, thay đổi người nhà chăm sóc; đảm bảo những người chăm sóc cho bệnh nhân luôn đeo khẩu trang; chú trọng công tác sát trùng tay nhanh tại các khu bệnh phòng…

Song song với đó, việc phân luồng, chẩn đoán sớm ca bệnh từ khâu nhập viện đến phòng cách ly và khu vực điều trị được Bệnh viện tiến hành đồng bộ và bài bản. Bệnh viện đã phân luồng bệnh nhân theo tuyến nhất định, đi thang máy riêng… để nhóm bệnh nhân sởi tránh tiếp xúc với các bệnh nhân khác.

PV: Hiện nay có tình trạng nhiều phụ huynh “anti”- chống vắc xin, vậy tại Bệnh viện Nhi Hà Nội có ghi nhận những trường hợp này hay không, thưa bác sĩ ? Và lời khuyên của bác sĩ dành cho các bậc phụ huynh là gì?

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức: Phần lớn bệnh nhân mắc sởi vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân 5 - 12 tuổi vẫn mắc sởi như thường vì không được tiêm vắc xin, hoặc tiêm vắc xin không đủ liều. Có tới 50% bệnh nhân mắc sởi nhập viện đã tới độ tuổi tiêm chủng, nhưng vẫn chưa được tiêm vắc xin vì nhiều lý do khác nhau như: Trẻ ốm trong thời gian tiêm chủng, quên tiêm,... thậm chí có những gia đình không muốn cho con tiêm vắc xin.

Vắc xin là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng và ngăn ngừa sự lây lan của dịch, bệnh sởi. Vì vậy, việc tiêm vắc xin sởi được coi là biện pháp tốt nhất để dự phòng sởi. Thực tế trong quá trình điều trị chúng tôi nhận thấy, không phải là tất cả, nhưng có một số phụ huynh không cho con tiêm vắc xin. Và như thế làm cho nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng sẽ tăng lên.

Phần lớn trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi chưa được tiêm vắc xin
Việc phân luồng, chẩn đoán sớm ca bệnh từ khâu nhập viện đến phòng cách ly và khu vực điều trị được Bệnh viện Nhi Hà Nội tiến hành đồng bộ và bài bản.

Sởi có khả năng lây truyền cao, chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên. Vì vậy việc “anti” tiêm vắc xin vô tình làm cho dịch sởi lây lan mạnh hơn trong cộng đồng. Và với những nhóm bệnh nhân yếu thế như chống chỉ định tiêm vắc xin, nhóm bệnh nhân chưa đến tuổi tiêm vắc xin, nhóm trẻ có bệnh nền… thì nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng cao.

Với những trẻ được tiêm vắc xin sởi, thường sau 2 tuần tiêm phòng, trẻ sẽ sinh khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi tốt nhất. Và sau 1 tháng thì hiệu quả tiêm chùng sẽ đạt tỷ lệ cao nhất.

Vắc xin có khả năng phòng bệnh cao, gần 100%, tuy nhiên sẽ có khoảng trống nhỏ lây nhiễm, bởi vậy các bậc phụ huynh cần có các biện pháp dự phòng nhằm phòng bệnh cho trẻ. Trong đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường, che miệng khi ho, hạn chế đến nơi đông người, cho trẻ rửa tay với xà phòng thường xuyên… Với những cách phòng tránh này không chỉ phòng ngừa bệnh sởi, mà còn giúp trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm khác thường xảy ra trong mùa hè hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Phụ nữ nên tiêm vắc xin ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng tùy từng loại vắc xin để cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi. Vắc xin còn giúp mẹ truyền kháng thể thụ động sang thai nhi, bảo vệ bé trong những tháng đầu tiên sau khi chào đời, khi chưa đủ tuổi chủ động tiêm ngừa vắc xin sởi.

Minh Khuê (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này