Đề xuất thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

18:31 | 30/03/2025
Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang đưa ra lấy ý kiến về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Công đoàn trong giai đoạn mới: Đổi mới để đồng hành cùng người lao động Khánh Hòa: Giao KPI công việc cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức xã thuộc biên chế của tỉnh

Theo Bộ Nội vụ, Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong đó, về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm.

Điều này dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức; không có cơ sở để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Bên cạnh đó, thực trạng đội ngũ công chức hiện nay ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý đã vào Nhà nước là an toàn, tình trạng "công chức suốt đời”, cơ chế đào thải không đủ mạnh (quy định 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ). Tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ, cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đề xuất thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.

Cụ thể, bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng, và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài.

Bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, “có vào, có ra, có lên, có xuống” để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, "tình trạng công chức suốt đời”, cơ chế đào thải không đủ mạnh; bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu. Đó là, thể chế hóa nguyên tắc thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, để thu hút tối đa các chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng từ khu vực tư, vào làm việc trong các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, cần có chính sách trọng dụng nguồn nhân lực trong hệ thống từ đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực nổi trội, có kết quả công việc thể hiện bằng thành tích, sản phẩm cụ thể đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và cho sự phát triển của đất nước.

P.Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này