Công nhân "đầu trần, chân dép" trên công trình trọng điểm huyện Gia Lâm

20:46 | 31/03/2025
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công viên, vườn hoa, hồ nước phía trước trụ sở Huyện ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm, Hà Nội được coi là dự án trọng điểm của huyện. Hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ đưa dự án sớm được bàn giao như dự kiến. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nhiều lao động tại công trường đã không đảm bảo trang phục, mũ bảo hộ theo quy định, xung quanh công trường không có rào chắn ngăn cách với bên ngoài…
Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì coi thường an toàn lao động Lấy an toàn lao động là tiêu chí hàng đầu

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công viên, vườn hoa, hồ nước phía trước trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm (khu 31ha), được huyện tổ chức khởi công xây dựng đầu tháng 6/2024.

Dự án nằm trên địa bàn hai xã Cổ Bi và thị trấn Trâu Quỳ, gồm các hạng mục: San nền, xây dựng quảng trường, nạo vét hồ, kè hồ, lan can, bậc lên xuống, đường dạo ven hồ, thoát nước, chiếu sáng, sân khấu, cây xanh, bãi đỗ xe…

Phần san nền thuộc gói thầu số 28 gồm các hạng mục: Thi công xây dựng các hạng mục san nền, giao thông, kè hồ, xử lý nền, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp điện và lắp đặt thiết bị trạm biến áp cấp điện (bao gồm cả chi phí đổ thải). Nhà thầu đảm nhận gói thầu này là Công ty Cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68.

Đến nay, đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB), các nhà thầu đang nạo vét, kè lòng hồ, xây dựng quảng trường, đường dạo xung quanh hồ… Dự án chạy theo chiều dài hai tuyến phố Đoàn Quang Dung và Thuận An.

Công nhân
Tại tuyến phố Đoàn Quang Dung, vật liệu, ống kỹ thuật dùng trong xây lắp bị đặt ngổn ngang trên vỉa hè.
Công nhân
Người lao động làm việc trên công trường không được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động như mũ, giày, găng tay…
Công nhân
Quá trình thi công bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu để thợ muốn mặc gì thì mặc.
Công nhân
Ngay sát Ban Chỉ huy công trường tình trạng trang phục bảo hộ thiếu an toàn vẫn không bị nhắc nhở.
Công nhân
Ban Chỉ huy công trường.
Công nhân
Hình ảnh công trường nhìn từ tuyến phố Thuận An.
Công nhân
Vật liệu xây dựng chiếm hết vỉa hè.
Công nhân
Theo Thông tư Số: 04/2017/TT-BXD, ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có quyền đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra, hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. (Trong ảnh những người thợ đang làm việc trong tình trạng thiếu trang phục và thiết bị bảo hộ lao động).
Công nhân
Hai người thợ kéo tấm kim loại trong tình trạng ăn mặc tự do, dùng phương tiện cá nhân không đảm bảo cho việc vận chuyển trong thi công.
Công nhân
Mặc dù công trình có cảnh báo: Hố sâu không phận sự cấm vào...
Công nhân
Tuy nhiên, xung quanh công trường gần như không có rào chắn. Thông tư số: 16/2021/TT-BXD, ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng quy định: “Vùng nguy hiểm gồm giới hạn các khu vực trong và xung quanh công trường xây dựng có thể xuất hiện những yếu tố nguy hiểm gây thiệt hại cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện do quá trình thi công xây dựng công trình gây ra… Công trường đang thi công phải được rào chắn để ngăn ngừa xâm nhập trái phép”.
Công nhân
Cho đến thời điểm hiện tại dự án đã xong công tác GPMB, khẩn trương hoàn thành các hạng mục chính.

Chương II, Thông tư Số: 04/2017/TT-BXD, ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng đề cập đến: “Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình”. Cụ thể: “Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường; tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.

Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu tại điều này đối với phần việc do mình thực hiện.

Tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công; khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo chủ đầu tư về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng...”.

Điều 6 Thông tư quy định: “Trách nhiệm của bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình”. Cụ thể: Triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận; hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường...”.

Điều 7 Thông tư đề cập đến: “Trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng”, trong đó có việc người lao động có quyền: “Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp, nhưng không được khắc phục, xử lý, hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định; chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động…”.

Những công nhân "đầu đội trời, chân đi dép, không quần áo bảo hộ" ngày qua ngày xuất hiện đều đặn trên công trình trọng điểm của UBND huyện Gia Lâm. Cán bộ giám sát của nhà thầu vì "quân mình" nên mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng chủ đầu tư cũng ngó lơ thì thật là khó hiểu. Hay là đợi đến khi "sự đã rồi" thì mới hô hào quan tâm đến trang phục bảo hộ và an toàn lao động?

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này